Thực hiện chủ trương tinh gọn các đơn vị sự nghiệp của Đảng và Chính phủ, từ năm 2018 đến nay công cuộc sáp nhập các đoàn nghệ thuật địa phương đã được triển khai. Đến nay, tại hầu hết các tỉnh thành chỉ còn lại 1 đoàn nghệ thuật công lập. Nhưng trong quá trình này, đã nảy sinh nguy cơ, đó là nghiệp dư hóa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, khi việc sáp nhập được thực hiện một cách cơ học. Chẳng hạn như ở Thanh Hóa, sau khi sáp nhập 3 đoàn chèo, tuồng, cải lương, bản sắc mỗi đoàn cũng giảm đi theo thời gian.
"Chúng ta đang nghiệp dư hóa nghệ thuật chuyên nghiệp. Không chủ ý nhưng chính chúng ta đang phá vỡ nghệ thuật truyền thống, vì các loại hình nghệ thuật có đặc trưng riêng của nó, kịch nói du nhập từ châu Âu vào đầu thế kỷ XX, chèo bắt đầu có từ thời nhà Đinh, tuồng có từ thế kỷ XIII…, mỗi loại hình nghệ thuật có những điều không thể trộn lẫn với nhau", TS. Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ.
Đó là chưa kể nhiều nơi còn nhập trung tâm chiếu bóng với đoàn ca múa dân tộc, nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp vào các trung tâm văn hóa. Sắp xếp lại nhằm mục đích cao nhất là để tập trung nguồn lực phát triển loại hình tinh hoa nhất, không đầu tư dàn trải. Đây là một chủ trương đúng đắn. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc cắt giảm đầu tư cho nghệ thuật. Tại một số tỉnh thành, sau khi sáp nhập thì địa phương còn dành ngân sách lớn hơn. Đó là cũng câu chuyện ở Vĩnh Phúc.
Nhà hát nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đoàn, là Nhà hát chèo Vĩnh Phúc và Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc. 4 năm từ khi hợp nhất, trung bình mỗi năm nhà hát có hơn 300 buổi diễn, tức là tăng gấp đôi so với khi các đoàn còn hoạt động độc lập.
Thay vì cắt giảm ngân sách, tỉnh Vĩnh Phúc lại tăng số buổi diễn đặt hàng cho nhà hát, thậm chí có 1 đề án riêng nhằm bao phủ nghệ thuật tới tất cả các xã, huyện và khu công nghiệp trong toàn tỉnh. Đoàn chèo và ca múa nhạc hoạt động độc lập về chuyên môn, nhưng khi biểu diễn có thể đan xen tiết mục. Nhờ đó các đêm diễn đông đảo bà con nhân dân thưởng thức.
Trước đây, ở Vĩnh Phúc đã từng có đoàn cải lương, nhưng nhận thấy cải lương không phù hợp với nhu cầu người dân địa phương nên chuyển đổi sang chèo. Vấn đề rất lớn ở đây là lãnh đạo các địa phương phải nhìn nhận rõ đâu là loại hình nghệ thuật đặc trưng nhất cần giữ gìn, còn lại mạnh dạn chuyển đổi để đỡ gánh nặng ngân sách. Tất nhiên, chuyển đổi thế nào để bảo đảm quyền lợi cho các nghệ sĩ đã cống hiến lâu năm là bài toán không đơn giản.
Hiện tổng số các đơn vị nghệ thuật cả nước là gần 90, so với trước kia giảm khoảng 20%, nhưng sự lắp ghép cơ học đặt ra nguy cơ đánh mất những thương hiệu nghệ thuật chuyên nghiệp đã được dày công xây dựng. Có chuyên gia đề xuất thay vì cố duy trì mỗi tỉnh một đoàn tổng hợp, nên tính đến các nhà hát chuyên nghiệp theo vùng, và theo từng loại hình nghệ thuật truyền thống để tập trung nguồn lực trong đầu tư.
Tại Liên hoan Các trích đoạn sân khấu hay toàn quốc mới đây, có 6 trích đoạn được phóng tác từ tác phẩm Chí Phèo, tất cả đều giống nhau như đúc từ hóa trang, phục trang, đạo cụ, tiếng nói. Có trích đoạn gọi là chèo nhưng thực chất là kịch nói lồng vào mấy làn điệu chèo. Nếu không thận trọng thì sẽ đi ngược lại với mục tiêu cao nhất của chủ trương tinh giản bộ máy, đó là để nâng cao hiệu quả của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tại các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!