Nhắc đến với vùng đất miền Tây Nam Bộ thì không thể không nhắc tới chiếc khăn rằn, biểu tượng đồng hành qua bao tháng năm với người dân nơi đây. Khăn rằn được cha ông xưa sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt, qua thời gian, chiếc khăn rằn đã trở thành nét đẹp văn hóa trên trang phục của người dân miền sông nước. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, khăn rằn theo chân các chiến sĩ cách mạng với những chiến thắng lẫy lừng, rồi lại trở về dịu dàng, hồn hậu trong cuộc sống thời bình. Giờ đây, khăn rằn Nam Bộ tiếp tục mamg hơi thở mới, trẻ trung, năng động trong nhịp sống đương đại.
Nếu có dịp tới miền Tây, dễ thấy hình ảnh những chiếc khăn rằn truyền thống được các bà, các mẹ quàng lên cổ, quấn lên đầu. Chiếc khăn rằn vẫn tiếp tục được hiện diện trong đời sống mới hôm nay như một sự tiếp nối nhiều ý nghĩa. Để tôn vinh và gìn giữ nét đặc trưng này, nghề dệt khăn rằn Long Khánh tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vừa được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo định nghĩa của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiếm có phụ kiện mang giá trị truyền thống nào vừa có sự cách tân, đa dạng vừa giữ được nét đẹp xưa, thích nghi tốt với nhịp sống hiện đại như khăn rằn.
Vượt lên giá trị sử dụng, khăn rằn là biểu tượng, là món quà tặng văn hóa và được giới trẻ biến hóa đa dạng trong thời trang. Nhưng dù cách tân hay cổ điển, chiếc khăn rằn Nam Bộ trước sau vẫn là một hình ảnh đẹp, một biểu trưng cho tấm lòng chân tình, nồng hậu của con người đất phương Nam.
Sức sống làng dệt khăn rằn trăm năm tuổi VTV.vn - Đồng Tháp nổi tiếng với những làng nghề hàng trăm năm tuổi như làng nghề dệt choàng (khăn rằn) tại xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự được hình thành khoảng đầu thế kỷ XX.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!