Trong khi nhiều làng nghề đang có nguy cơ mai một thì dệt choàng vẫn có sức sống bền bỉ, tạo nên nét hấp dẫn rất riêng cho đất sen hồng Đồng Tháp.
Khi bước vào làng nghề, âm thanh mà dễ nghe được chính là tiếng của những khung dệt. Cả trăm năm qua, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng âm thanh này, hình ảnh này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà con địa phương.
Để làm được một chiếc khăn choàng lắm công phu. Quan trọng nhất là phải chọn được loại chỉ đẹp, bền và chắc. Ngoài kỹ thuật hấp với những bí quyết riêng, chỉ phải được phơi đủ nắng. Có như vậy, sản phẩm mới sáng bóng và không phai.
Càng khó khăn, bà con càng cố gắng. Mặc dù quy mô không lớn nhưng làng nghề hoạt động bài bản. Tùy vào khả năng, mỗi hộ sẽ phụ trách một công đoạn, từ việc làm chỉ, nhuộm, hồ, móc cửi đến dệt thành phẩm.
Đến nay, làng nghề vẫn còn gần 60 hộ hoạt động với 150 khung dệt. Mỗi ngày, nơi đây cung cấp ra thị trường hơn 4.000 chiếc khăn choàng và 1.800m vải. Càng vui hơn khi làng nghề vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trải qua 100 năm hoạt động, làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A vẫn duy trì sức sống. Hàng ngày, bà con vẫn tỉ mỉ, chăm chút cho từng sản phẩm. Điều họ mong muốn là giữ gìn nghề truyền thống của cha ông, để chiếc khăn rằn ngày càng đi xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!