5 năm trở lại đây, chủ trương sắp xếp lại bộ máy hành chính tại địa phương đã khiến hàng trăm xã, hàng nghìn thôn mất tên hoặc thay tên. Sắp xếp lại đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy nhưng nhìn từ góc độ văn hóa, việc đặt tên xã thôn sau sáp nhập ra sao là bài toán không đơn giản. Ở nhiều nơi, những tên mới khô cứng, xa lạ khiến người dân cảm thấy băn khoăn, thậm chí bức xúc.
Có những tên làng đã sinh ra từ thưở ông cha khai hoang lập nghiệp. Đặt tên cho một vùng đất là gói ghém những ước vọng, niềm tin của con người, mong sự bình yên, thịnh vượng, trù phú. Không quá lời khi nói rằng tên làng như chiếc rễ ăn sâu vào tâm thức người Việt chứ không phải là tên gọi hành chính đơn thuần.
"Khi tên làng không còn vì các lý do khác nhau, đối với những bậc cao niên từng gắn bó với các làng quê, đó là một cú sốc. Người ta gắn bó với nhau một phần nhờ tên làng đó, các thế hệ đổ máu hy sinh, quyết tâm gìn giữ. Người ta ra đi phấn đấu cũng vì danh dự của làng, giữ gìn được phẩm chất riêng của từng cộng đồng cư dân mình cũng vì cái tên làng đó", PGS.TS Bùi Xuân Đỉnh – Chuyên gia Dân tộc học cho biết.
"Những địa danh xưa là sự nối kết giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Đừng để tên của những địa danh cũ bị biến mất đi, đó là điều tai hại", PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học cho hay.
Việc đặt lại tên làng sau sáp nhập thời gian qua khiến nhiều địa phương mâu thuẫn bất hòa lẫn nhau. Tại tỉnh Quảng Nam, trước đây nhiều địa danh miền núi được đặt theo số thứ tự như thôn 1, thôn 2, thôn 3… Sau một thời gian, lãnh đạo 9 huyện miền núi tham vấn ý kiến người dân đặt lại tên thôn cũ theo truyền thống của bà con. Theo đó, những cái tên được đặt theo tên sông, suối, ngọn núi của làng mình. Đó cũng là cách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Hơn 1.000 thôn, tổ, khối dân phố được sáp nhập nhưng cách đặt tên đã nhận được ủng hộ cao.
Mới đây, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục sắp xếp 35 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.300 đơn vị hành chính cấp xã cho giai đoạn 2023 – 2025. Điều đó có nghĩa là sẽ tiếp tục có hàng trăm xã, hàng nghìn thôn làng phải thay tên. Trong khi việc đặt tên đường phố, công trình công cộng đã có Nghị định của Chính phủ quy định rõ ràng thì việc đặt tên thôn xã sau sáp nhập vẫn đang là tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Đây là điều đáng lưu tâm. Một tên gọi mang ý nghĩa sâu sắc sẽ là niềm tự hào của người dân một vùng quê, có tính nối kết tình cảm, giữ gìn truyền thống cha ông, truyền cảm hứng cho cộng đồng, cho thế hệ hôm nay và mai sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!