Võ cổ truyền Việt Nam có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, võ cổ truyền trở thành một di sản độc đáo, là tinh hoa của văn hóa và trí tuệ Việt Nam, được chọn lọc và đào thải qua môi trường khắc nghiệt của hoàn cảnh và sự thăng trầm lịch sử. Vì vậy, ông cha thường nói dạy võ và học võ chính là dạy đạo lý làm người.
Thực tế, cho đến nay sự phát triển của võ cổ truyền còn chưa được như kỳ vọng. Hàng chục năm nay, võ cổ truyền không phải bộ môn được đào tạo trong các trường thể dục thể thao. Việc truyền thụ chỉ dựa vào một số võ sư tâm huyết, chưa chú trọng vào nghiên cứu xây dựng một cách bài bản, đầy đủ. Một số quy định quá chặt chẽ, không phù hợp thực tế khi đưa võ thuật cổ truyền vào giảng dạy ở trường học đã làm thui chột, mất đi ưu thế chiến đấu của một số môn phái võ cổ truyền. So với nhiều môn phái võ cổ truyền của các quốc gia khác như Taekwondo, Karate…, võ cổ truyền Việt chưa được đưa vào bộ môn thi đấu ở các giải quốc tế.
"Hầu hết võ sư võ cổ truyền Việt Nam đều nghèo và khó, nhiều người rất nghèo, do đó không có khả năng để đi tuyên truyền, phát triển hay mở lò dạy ở trung tâm này khác…", TS. Phạm Đình Phong – Viện trưởng Viện Võ học Việt Nam chia sẻ.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc phát triển võ cổ truyền trong trường học, nghiên cứu sưu tầm bảo tồn các bài quyền cổ, phục dựng võ miếu và xây dựng chuyên ngành đại học, trên đại học về môn võ học dân tộc, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án quảng bá võ thuật cổ truyền dân tộc Việt Nam. Năm 2022, Chính phủ đã đồng ý triển khai lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hiện nay, võ cổ truyền Việt Nam đã mở rộng ra thế giới. Sự thu hút của võ cổ truyền Việt với số lượng người theo học đông không chỉ bởi họ tìm thấy ở đó một loại hình thể thao mà còn vì thấy những giá trị triết lý nhân văn sâu sắc. Trong định hướng và mục tiêu của Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam, đến năm 2030 sẽ phổ cập, đưa võ cổ truyền vào các trường học và phát triển đến khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, thành lập các liên đoàn châu lục. Mục tiêu này có thể thành hiện thực hay không thì trước hết phải có sự đồng thuận, cố kết cùng chung tay vì lợi ích chung của nền võ thuật cổ truyền nước nhà. Có như vậy, sức lan tỏa của võ thuật cổ truyền Việt Nam mới ngày càng mở rộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!