Hệ thống bảo tàng Việt vượt khó, tìm lối đi riêng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 05/01/2023 13:50 GMT+7

VTV.vn - Vượt khó, tìm lối đi riêng, nhiều di tích, bảo tàng đã đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm mới, trong đó có gắn với du lịch.

Các bảo tàng đổi mới nhằm thu hút khách thăm quan là chủ đề của Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 5/1. Ngày càng có nhiều bảo tàng, di tích làm sống lại những câu chuyện cũ bằng cách kể chuyện mới như Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò. Tiếp nhận những giá trị văn hóa lịch sử, trọn vẹn những xúc cảm cá nhân, từ bảo tàng đến di tích lan tỏa sức hấp dẫn một cách tự nhiên đến đông đảo công chúng.

Hiện nước ta có hệ thống bảo tàng khá đa dạng, chia thành nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên khắp tỉnh, thành phố. Là nơi sưu tầm, bảo quản và trưng bày hiện vật, du lịch bảo tàng là con đường ngắn nhất để tìm hiểu văn hóa lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc. Bảo tàng văn hóa lịch sử ở mỗi quốc gia không chỉ giúp lưu giữ giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nét tinh túy của nhân loại mà còn tạo ra những giá trị vật chất cho nền kinh tế.

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, du lịch văn hóa được đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Trong đó, một trong những giải pháp đặt ra với phát triển du lịch văn hóa có gắn với bảo tàng. Tại Việt Nam, một số bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động bảo tàng nói chung ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác, phát huy để chạm tới tất cả công chúng. Nhiều bảo tảng vắng khách thăm quan, hiệu quả nguồn thu thu được từ bảo tàng còn chiếm phần nhỏ trong nền kinh tế.

"Nhiều bảo tàng có nội dung trưng bày na ná giống nhau, mặt khác công tác tổ chức trưng bày không có đổi mới. Những bản trích, bản đồ, tài liệu bản sao là hiện vật làm lại nên khách không thể nào chấp nhận thăm quan được. Chính vì vậy, các bảo tàng vắng bóng khách, gần như thế hệ trẻ không có hứng thú đi thăm quan một số bảo tàng", PGS.TS Trương Quốc Bình – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Vượt khó, tìm lối đi riêng, nhiều di tích tại Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm mới. Dấu ấn rõ nét nhất ở đây là sự sáng tạo, đổi mới. Thay vì thuần túy trưng bày hiện vật, nhiều bảo tàng tìm cách đưa hiện vật vào không gian văn hóa, tái hiện các bối cảnh, tình huống phù hợp nhằm mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách, điển hình như tìm ra những sản phẩm độc đáo gồm bánh lá bàng, trà lá bàng, thạch bàng… cũng góp phần tạo ra dư ấm khó quên cho tour khám phá nhà tù Hỏa Lò. Nhiều bảo tàng đã tăng cường quảng bá và tương tác trên các nền tảng số, sử dụng công nghệ tiên tiến để đa dạng hóa trải nghiệm thực tế.

"Khách thăm quan đến với bảo tàng là cảm nhận được những giá trị về lịch sử, khoa học, thẩm mỹ. Các bảo tàng phát huy được hệ thống trưng bày và có giải pháp để thu hút khách thăm quan chính là tạo điều kiện để phát triển du lịch bền vững", PGS.TS Trương Quốc Bình nói.

Có thời gian dài, nhiều bảo tàng ở Việt Nam hoạt động cầm chừng, thiếu vắng khách thăm quan nhưng với sự đổi mới trong cách trưng bày, giới thiệu hiện vật, ngày càng nhiều bảo tàng thu hút được đông đảo khách ghé thăm. Qua đó, nhận thức và khả năng cảm thụ các giá trị văn hóa, lịch sử nghệ thuật của công chúng được nâng cao. Mỗi khách thăm quan sẽ là một đại sứ, những giá trị tiếp nhận từ trải nghiệm từ các bảo tàng sẽ tiếp tục được lan tỏa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước