Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km, làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nổi tiếng với nghề làm hoa giấy truyền thống hàng trăm năm nay. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã có trong danh mục thống kê các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19. Đây là một điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất Kinh kỳ.
Làng Thanh Tiên (mới được đổi tên thành Thanh Vinh) xưa còn có tên là Tân Lãn hay Tân Lạn, là một trong những địa phương hiếm hoi còn nắm giữ được những thủ thuật bí truyền trong nghề làm bông lùng, bông bụp – một loại hoa đặc trưng trên bàn thờ của Huế xưa. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên thường được làm vào những lúc nông nhàn, dùng trong tín ngưỡng: cắm ở trang thờ Ông, Bà bổn mạng vào dịp vía lễ; hoặc trang thờ ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm; hoặc dùng trong lễ cúng trang Sư (Thổ Công). Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, người dân nơi đây đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ và sau đó là hoa sen.
Sản xuất ra một cành hoa giấy là không hề đơn giản. Một điểm đặc trưng của hoa giấy Thanh Tiên đó là tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn được làm thủ công. Để bắt đầu làm hoa giấy, nghệ nhân Thanh Tiên phải chuẩn bị trước nhiều tháng. Tre phải lựa những cây thuộc loại lồ ô dẻo dai nhất, chẻ nhỏ vót tròn, rồi đem phơi khô làm cành và cuống hoa. Giấy màu phải cắt thành hình bông hoa, dán hồ tạo hình, ghép nhuỵ tạo thành từng bông hoa rồi sau đó ghép hoa vào cành. Đặc biệt, trong quá trình nhuộm màu giấy hoa, thuốc nhuộm tất cả đều từ nguồn nhựa cây và lá cây theo công thức gia truyền chế xuất thành.
Tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn được làm thủ công
Anh Nguyễn Hiếu (SN 1980 – chủ cơ sở làm hoa giấy Nguyễn Hoá), một nghệ nhân đã có gần 20 năm trong nghề làm hoa giấy chia sẻ: "Nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên đã có truyền thống từ 400 năm nay. Bản thân tôi cũng là thế hệ thứ 5 trong gia đình theo nghề này. Trước đây chủ yếu người dân làm hoa giấy vào tháng Chạp, trước thờ cúng gia tiên, thần linh, sau trang trí nhà cửa đón Tết. Tuy nhiên gần đây, với sự dịch chuyển đối tượng sản phẩm, hoa giấy không còn đơn thuần phục vụ cho việc thờ cúng tại những không gian nhất định mang tính truyền thống mà còn đáp ứng các nhu cầu về trang trí, tô điểm với những sản phẩm mang giá trị nghệ thuật cao. Chính nhờ vậy, nghề làm hoa giấy có thêm không gian phát triển, không chỉ sản xuất mạnh trong dịp Tết cổ truyền mà còn được làm quanh năm".
Theo anh Hiếu, công đoạn chế tác những bông hoa giấy có chất lượng cao đã từng bị thất lạc trong khoảng 50 năm. Hoa giấy trang trí trước kia chủ yếu phục vụ trong cung đình hoặc các gia đình quý tộc. Về sau, khi chế độ phong kiến được bãi bỏ, các công đoạn sản xuất hoa này cũng bị thất truyền. Chính cha anh – nghệ nhân Nguyễn Hoá là người đã có công nghiên cứu, tìm tòi và khôi phục những bí quyết xưa này. Kết hợp với một số đơn vị sản xuất hoa giấy tại địa phương, hiện nay hoa giấy Thanh Tiên đã hình thành hai dòng sản phẩm phân biệt là hoa giấy truyền thống dùng cho việc thờ cúng, tâm linh và một loại tinh xảo, có giá trị cao về mặt nghệ thuật để phục vụ cho việc trưng bày.
Hoa sen giấy có giá trị cao về mặt nghệ thuật
Hiện nay, hoa giấy Thanh Tiên là sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều địa phương trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Khánh Hoà, Phú Quốc,… Đặc biệt, là một điểm du lịch đầy thu hút, tiềm năng xuất khẩu sản phẩm này ra thị trường quốc tế cũng là rất lớn khi du khách tới đây đều cực kỳ hứng thú với những bông hoa thủ công mỹ lệ này.
Mặc dù vậy, hoa giấy Thanh Tiên có giá bán trên thị trường không cao. Một nghệ nhân Thanh Tiên mất 3 giờ để tạo ra một cành hoa giấy nhưng chỉ có giá từ 5-7.000 đồng. Còn đối với dòng hoa trang trí như hoa sen, thợ làm hoa chuyên nghiệp một ngày cũng chỉ có thể làm ra tối đa 12 bông, với giá dao động 25-40.000đ tuỳ theo kích cỡ hoa. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho số người làm hoa giấy tại địa phương giảm đi theo thời gian.
Ông Nguyễn Chí Khoan (SN 1964 – người dân địa phương) chia sẻ: "Năm nay tôi đã gần 60 tuổi và đã làm hoa giấy hơn 50 năm rồi. Cách đây khoảng 30 năm, làng này chỉ có khoảng 150 hộ dân, hầu như nhà nào cũng làm hoa giấy. Đến nay dân cư thì đã tăng lên cả chục lần, nhưng chỉ còn lại trên dưới chục hộ làm nghề này."
Ông Nguyễn Chí Khoan - Nghệ nhân làm hoa giấy với hơn 50 năm trong nghề
Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ đơn thuần là một nét đẹp nghệ thuật mà còn in đậm triết lý Nho học. Một cành hoa giấy truyền thống bao gồm 3 bông hoa lớn ở chính giữa tượng trưng cho Tam cương (quân – thân – sư) và 5 bông hoa nhỏ xung quanh tượng trưng cho Ngũ thường (nhân – lễ – nghĩa – trí – tín). Nghệ nhân Nguyễn Hóa – người đã có 40 tuổi nghề đã từng chia sẻ: "Nghề làm hoa giấy đòi hỏi cao tính kiên nhẫn và tỉ mỉ. Vì ý nghĩa tâm linh của nó cho nên hoa giấy Thanh Tiên tuy không có hương nhưng vẫn mang cái "thần" của nó. Hoa giấy không chỉ có ý nghĩa sâu xa về mặt tín ngưỡng trong nếp sống cổ truyền người Huế mà làng hoa giấy không tàn này còn có ý nghĩa như một tín hiệu báo tết đang về rất gần".
Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ đơn thuần là một nét đẹp nghệ thuật mà còn in đậm triết lý Nho học
Trong diễn trình chung của nhiều làng nghề thủ công vùng Huế và miền Trung, cùng với quá trình biến động và phát triển kinh tế – xã hội, nguy cơ đã mai một là rất đáng báo động, do mất đi nhu cầu và thị trường, không còn có truyền nhân; hoặc sản phẩm bị thay thế bởi vật dụng cùng chức năng nhưng được sản xuất với nguyên liệu và kỹ thuật hiện đại. Mặc dù hoa giấy Thanh Tiên là sản phẩm gắn liền với chức năng tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nên vẫn luôn có chỗ đứng nhất định cho đời sống người Việt, nhưng trên thực tế những bông hoa giấy truyền thống đã không còn là sản phẩm được ưa chuộng nhất do hạn chế về tính thời vụ cũng như nguồn tiêu thụ, thay vào đó là những bông hoa phục vụ trang trí với giá trị nghệ thuật cao.
Chính quyền địa phương cần làm nhiều hơn để gìn giữ nét đẹp làng nghề cổ truyền hoa giấy
Chính vì vậy, để giữ hồn cho một di sản làng nghề, để nét đẹp hoa giấy Thanh Tiên lan tỏa và lưu truyền những giá trị tinh hoa, góp phần làm đa dạng, phong phú lẫn những nét đặc trưng riêng của nghề thủ công truyền thống Huế trong dòng chảy văn hóa dân gian, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa trong công tác bảo tồn và tái sản xuất những tri thức và kỹ năng của người thợ thủ công trong làng nghề cũng như đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ với hai dòng sản phẩm truyền thống và bán hiện đại; tăng cường quảng bá các giá trị, tinh hoa của nghề làm hoa giấy; hợp tác chặt chẽ với các trung tâm du lịch, lữ hành nhằm tăng số lượng khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và tiêu thụ sản phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!