Họa sĩ Trần Lương: Luật văn hóa của chúng ta… mơ màng

VTV News-Thứ hai, ngày 17/06/2013 15:36 GMT+7

Họa sĩ Trần Lương và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Ảnh: Soi).

 “Luật văn hóa của chúng ta... người nghệ sĩ không thể tự bảo vệ được và khi không tự bảo vệ được thì không thể gọi là luật. Đấy chỉ là dạng luật một chiều, nó rất mơ màng” - Họa sĩ Trần Lương nói trong chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật ngày 15/6.

Từ sự cố của Bụi đời Chợ Lớn…

Bụi đời Chợ Lớn – bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn, được đầu tư hơn 16 tỷ- đã không vượt qua được cửa ải kiểm duyệt dù đã 3 lần chỉnh sửa, dẫn đến quyết định bị cấm trình chiếu… là đề tài được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam trong suốt thời gian qua. Sự cố của Bụi đời Chợ Lớn đã làm dấy lên làn sóng mạnh mẽ đòi hỏi phải nhìn nhận lại cơ chế duyệt phim tại Việt Nam.

Từ sự cố của Bụi đời Chợ Lớn, người ta nhớ lại trường hợp của Bi, đừng sợ - bộ phim đã nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế của đạo diễn Phan Đăng Di. Để được ra rạp, phim đã phải cắt bỏ hơn 5 phút cảnh nóng, dù nội dung của phim xoay quanh những vấn đề trong đời sống của người lớn, trong đó có đời sống tình dục.

Người ta cũng nhớ lại sự cố của nhiều những lĩnh vực nghệ thuật khác tại Việt Nam từ sự cố của Bụi đời Chợ Lớn. Như trong địa hạt xuất bản, có những tác phẩm vừa được phát hành đã bị đình chỉ và thu hồi. Nhiều triển lãm mỹ thuật của những họa sĩ Việt Nam được đánh giá cao ở nước ngoài, được trưng bày trong những bảo tàng danh tiếng thế giới nhưng lại không xin được giấy phép triển lãm tại Việt Nam. Để có thể ra mắt công chúng, nhiều họa sĩ phải rút bớt tác phẩm, chấp nhận tính không toàn vẹn…

Việc né tránh bạo lực, tình dục, những vấn đề nhạy cảm của xã hội dường như đang trở thành rào cản của những nhà sản xuất phim nói riêng và những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật nói chung tại Việt Nam. Đây cũng chính là một phần vấn đề được nhắc đến trong chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật ngày 15/6 với 3 khách mời - họa sĩ Trần Lương, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và diễn viên Hồng Ánh.

Vấn đề kiểm duyệt phim và luật…

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên Chia sẻ trong chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật: “Chúng ta có luật nhưng luật của chúng ta không rõ ràng, mà một cái luật không rõ ràng thì rất có hại. Tôi nghĩ có một vấn đề chúng ta vẫn vướng mắc từ trước đến nay là khái niệm chưa được rõ ràng. Chỉ khi nào một vấn đề được mọi người hiểu như nhau thì lúc đó chúng ta mới nói chuyện được với nhau. Chứ điều luật mà tôi hiểu một cách, anh hiểu một cách, hội đồng kiểm duyệt hiểu một cách và những quan chức của ngành văn hóa lại hiểu một cách thì không tốt”.

Đạo diễn của phim Sống trong sợ hãi cũng nói thêm: “Chúng ta cần phải xác định lại là điều luật về điện ảnh nhằm về điều gì? Tôi nghĩ luật điện ảnh là để giúp cho ngành điện ảnh phát triển chứ không phải đi canh gác đạo đức cho xã hội hay canh gác thói hư tật xấu cho xã hội… vì như thế nó đi ngược lại với mục đích phát triển của điện ảnh. Điện ảnh là một môn nghệ thuật có tính đặc thù của nó, nó phải có một nền tảng tự do nhất định và người nghệ sĩ không có sự tự do nhất định trong sáng tạo thì rất khó. Cơ chế của người làm nghệ thuật là bằng cảm giác, bằng tình cảm và trái tim nên nếu bắt họ phải theo một rào chắn nào đó thì rất khó cho công việc sáng tạo”.

Họa sĩ Trần Lương cũng đồng quan điểm với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Luật cần phải chi tiết, phải rõ ràng để chúng ta có thể quy chiếu vào đó, vì nếu luật không rõ ràng thì không thể thực hiện được tôn chỉ mục đích của một đất nước văn minh phát triển. Các hình thức kiểm duyệt mà không đi về với mục đích gốc là để ủng hộ sự phát triển lành mạnh… thì nó chỉ có hại cho cộng đồng”.

“Cái mà chúng ta gọi là luật hiện nay…” - họa sĩ Trần Lương nói tiếp- “Tôi nói có thể hơi quá lời, gây ra giận dữ cho những người xây dựng bộ luật này nhưng đối với tôi nó không thể gọi là luật, vì khi gọi là luật là nó phải có một cơ sở để cho người ta tì trên đó để cãi lý với nhau hoặc tự bảo vệ. Còn cái luật văn hóa này người nghệ sĩ không tự bảo vệ được và khi chúng tôi không tự bảo vệ được thì không thể gọi là luật. Đấy chỉ là dạng luật một chiều, nó rất mơ màng. Những câu nói vẫn áp dụng 50 năm nay là không hợp với thuần phong mỹ tục… đối với tôi câu này nó dựa trên một nền tảng phong kiến, nó kéo lùi sự phát triển nghệ thuật rất ghê gớm, vì chạm vào đâu nó cũng bị đụng chạm”.

Dưới đây là trọn vẹn cuộc nói chuyện của họa sĩ Trần Lương, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và diễn viên Hồng Ánh tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật ngày 15/6:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước