Ngày 23/11 là ngày Di sản Việt Nam. Làm sống lại di sản bằng công nghệ, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn với công chúng đang mang lại cái nhìn sống động về lịch sử cho thế hệ hôm nay. Đây là xu thế và nỗ lực của một lớp người trẻ để thổi hồn cho những báu vật mà ông cha để lại.
Gần 20 năm, trở về với những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống đang trở thành xu hướng, trào lưu rộng rãi của giới trẻ với nhiều hội nhóm khác nhau, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Những người trẻ tuổi đã và đang đam mê hành trình theo dòng lịch sử, để kiến tạo những tri thức riêng về lịch sử văn hóa Việt Nam. Những điểm hẹn như câu lạc bộ thư pháp, trang thư họa, hay cuốn sách Ngàn năm áo mũ…. chính là minh chứng phần nào cho điều đó.
TS. Nguyễn Tô Lan – Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ: "Họ đi từ công nghệ nhưng họ có sự hiểu biết nhất định về di sản. Một điểm khác là họ nhận thức rõ ràng về vai trò của công nghệ và vai trò quan trọng của nhà nghiên cứu trong việc làm di sản số. Đối với các kiến trúc sư này, một điểm hết sức quan trọng là họ kết nối được giữa công nghệ và di sản. Đó là điều mà những người nghiên cứu đơn thuần như chúng tôi không có được".
Không đơn thuần là cuộc dạo chơi theo dòng lịch sử, những người trẻ tuổi đang phát huy sức sáng tạo, trí tuệ để tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Vì thế, các điểm đến di sản đã trở thành không gian đầy hứng khởi và thu hút công chúng.
Nhiều bảo tàng đang đẩy mạnh số hóa, dùng công nghệ thay đổi cách trưng bày. Số hóa di sản văn hóa đang ngày càng khẳng định vai trò của một phương pháp bảo tồn, lưu giữ di sản trong xã hội số hiện nay, góp phần quan trọng trong quản lý, cung cấp thông tin, giúp giới học thuật làm cơ sở nghiên cứu lịch sử, giúp người ở xa có cơ hội tiếp cận với di sản giống như tham quan trực tiếp.
"Hai năm chịu ảnh hưởng từ COVID-19 là động lực để các bảo tàng nhận thấy công nghệ thực sự có hiệu quả, đem lại lợi ích cho bảo tàng. Chính vì vậy, chúng ta nhìn thấy một sự bùng nổ. Sau COVID-19, các bảo tàng liên tục đổi mới và sử dụng công nghệ trong trưng bày và số hóa di sản. Xu hướng này là đúng đắn và hợp thời, có thể bắt kịp với thế giới", TS. Nguyễn Tô Lan cho hay.
Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đã đặt mục tiêu 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt, các bảo vật quốc gia, các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Những thành tựu ban đầu về di sản văn hóa số có thể nói đã đặt nền móng ban đầu cho một cuộc cách mạng lớn lao trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của nhiều nền văn hóa. Theo các chuyên gia, những công nghệ sử dụng để phục vụ di sản của Việt Nam giờ đã tiệm cận được với thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra chiến lược, kế hoạch dài hơi trong việc khai thác giá trị di sản nhờ vào công nghệ.
Các di sản văn hóa là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Tiếp cận kho tàng văn hóa dồi dào, chất liệu phong phú, loại hình đa dạng, dùng hệ thống công cụ số hóa phù hợp, sự kết hợp giữa cách tiếp cận truyền thống và hiện đại đang góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và trải nghiệm, thúc đẩy sự sáng tạo. Từ dự án nhỏ lẻ, cần tạo một sân chơi rộng hơn để thu hút hơn nữa sự nhập cuộc của người trẻ, sáng tác những sản phẩm văn hóa mang hơi thở của nghệ thuật truyền thống. Khi ấy, di sản sẽ sống trong dòng chảy văn hóa đương đại.
Phát huy giá trị di sản tư liệu nhờ số hóa VTV.vn - Số hóa di sản tư liệu là cách tốt nhất để quảng bá di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam đến với công chúng một cách rộng rãi, tạo sức sống bền vững, lâu dài cho mỗi di sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!