Sau khi toàn quốc ghi nhận nhiều vụ cháy điểm karaoke, hầu hết các địa điểm kinh doanh dịch vụ này đã bị yêu cầu tạm dừng hoạt động để cải tạo, nâng cấp, đảm bảo các tiêu chí về phòng cháy chữa cháy. Cuối năm 2022, Bộ Công an đã thực hiện kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn. Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến ngày 15/3/2023, hơn 10.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động. Dù đã có hướng dẫn cụ thể nhưng nhiều tháng nay, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke vẫn loay hoay xoay sở để đáp ứng những yêu cầu này.
Hiện cả nước có khoảng 20.000 cơ sở kinh doanh karaoke, ước tính người dân và doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng 75.000 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar. Việc siết chặt quy định về phòng cháy chữa cháy là điều cần thiết. Tuy nhiên khi các quy chuẩn thay đổi liên tục, yêu cầu đặt ra quá khắt khe, đôi khi thiếu thực tế khiến các cơ sở karaoke rơi vào tình trạng sửa đi sửa lại, tốn kém thời gian và tiền bạc.
"Đề ra và thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy cần phải duy trì cả hai yếu tố. Một mặt đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, mặt khác đảm bảo hiệu quả tính cạnh tranh của các bộ phận kinh tế", ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ.
Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn thảo giải pháp gỡ khó cho hoạt động này. Trong khi chờ đợi giải pháp tổng thể, một số địa phương đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ cho karaoke sớm được hoạt động trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!