Cuối thế kỷ 19, trong cuộc hành trình xuôi về vùng đất mới, người Việt đã mang theo nhiều loại hình văn hóa truyền thống đến phương Nam. Để rồi trên trên vùng đất mới này, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ đã hình thành mà sức sống vượt cả không gian và thời gian đó chính là đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử vốn được xem thú vui tao nhã dành cho những bạn tri âm tri kỷ gặp nhau trong lúc thư nhàn. Thế nhưng, không vì thế mà đờn ca tài tử thiếu đi mực thước. Nó có bài bản riêng, không thể tùy tiện bắt quàng hay lẫn lộn với loại hình sân khấu.
‘ Việc phân biệt đờn ca tài tử và cải lương có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này (Ảnh: VTV Online)
“Đờn ca tài tử chơi ngẫu hứng, còn cải lương nặng về biểu diễn của diễn viên nhằm thể hiện một nội dung nhất định. Bên cạnh đó, tài tử mang tính phóng túng của cá nhân nhiều hơn sân khấu cải lương. Bởi cải lương biểu diễn có sự chỉ đạo của đạo diễn và sáng tạo trong khuôn phép khuôn khổ, còn đờn ca tài tử có khuôn phép riêng nhưng thể hiện rất rõ khả năng chẻ nhịp nhả chữ của người ca”, NSND - Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết.
Trong những năm gần đây do tác động của hội nhập văn hóa, nên thể loại nhạc đờn ca tài tử đang thiếu sự mực thước bài bản. Theo truyền thống, nhạc tài tử chính gốc gồm 3 nam, 6 bắc, 4 bài oán, 7 bài nhạc lễ. Tất cả là 20 bản tổ. Nhưng do tính hội nhập vào cải lương, nhạc tài tử thường bị lẫn lộn với các bài bản vốn dành cho sân khấu.
Tuy nhiên, dù hội nhập vào cải lương, nhưng nhạc tài tử vẫn tồn tại với phong cách trình tấu và bối cảnh diễn xướng riêng của nó. Trong sinh hoạt văn hóa ở xóm ấp, các câu lạc bộ… việc phân biệt nhạc tài tử và nhạc cải lương hiện nay vẫn đang là vấn đề mang tính lý luận, có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Quý vị có thể theo dõi thêm nội dung chi tiết vấn đề trên qua VIDEO dưới đây: