Lệch chuẩn trong báo chí: Khi người làm báo phải vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 09/10/2022 13:52 GMT+7

VTV.vn - Nhiều cơ quan báo chí đang vật lộn với vấn đề cơm áo gạo tiền, thu không đủ chi và phải chịu áp lực lớn để tồn tại trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí với hơn 2 vạn nhà báo. Báo chí mang trên mình sứ mệnh thiêng liêng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Nhưng thời gian qua, bên cạnh những cơ quan báo chí, làm tốt nhiệm vụ của mình, cũng có những cơ quan báo chí còn có biểu hiện "lệch hướng", xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít câu view, sử dụng thông tin, hình ảnh không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhất là các báo điện tử, không khó để tìm thấy những hạt sạn trong ngôn ngữ báo chí, mỗi lần mở điện thoại hay máy tính để tìm kiếm thông tin.

Trên báo chí chính thống, tràn lan những tít bài cố tình gây sốc, tối nghĩa khiến độc giả thắc mắc, như "Người đẹp 25 tuổi "đốt mắt" thiên hạ bằng váy xuyên thấu"; "Sau cự cãi, người đàn ông làm chuyện không tưởng với gia đình vợ "hờ""… Nhiều bài báo có xu hướng dùng cả ngôn ngữ đường phố. Sự tùy tiện và cẩu thả trong sử dụng ngôn ngữ trên báo chí đang ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Làm báo hiện đại ai cũng đều biết rằng "tít", hay tiêu đề là yêu tố rất quan trọng của sản phẩm báo chí. Và vì thế, việc rút tít cho bài báo được xem là nghệ thuật… Tuy nhiên, có nhiều khi, các chiêu trò giật tít khó xử phạt về luật pháp, song ở góc độ đạo đức lại có thể gây những định kiến xã hội, hay thiếu tôn trọng quyền riêng tư, gây tổn thương cho những người không liên quan đến vụ việc.

"Việc nhà báo làm nghề không tử tế sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ làm uy tín, vai trò của báo chí bị giảm sút trong xã hội mà còn làm những người làm báo chính trực, tử tế cảm thấy bị tổn thương", nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - chia sẻ.

Lệch chuẩn trong báo chí: Khi người làm báo phải vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền - Ảnh 1.

Không thể phủ nhận, gần đây, không ít phóng viên chỉ ngồi nhà, vài thao tác tìm kiếm, kết nối trên máy tính là có thể cóp nhặt thông tin từ nhiều nguồn, rồi nhào nặn, chỉnh sửa thành tin bài của mình. Đơn giản hơn, phóng viên chỉ vào facebook của người nổi tiếng là có ngay một bài viết… Cuộc chạy đua view và like nhanh nhất khiến nhiều phóng viên bỏ qua việc phải xác thực của thông tin. Không ít nhà báo bị dẫn dắt bởi các luồng thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội mà thiếu kiểm chứng, thẩm định… Đặc biệt, nhiều tờ báo, mục văn hóa nghèo nàn, mảng giải trí dày đặc tin tức, hình ảnh người đẹp khoe thân, đi với thiếu gia nọ đại gia kia, công khai là người thứ ba, vi phạm quyền riêng tư, kích thích lối sống hưởng thụ, lệch chuẩn… Không ít tờ báo sa đà khai thác tin tức tiêu cực, tạo ra bức tranh méo mó, phiến diện về đời sống xã hội.

Đổi mới sáng tạo là đòi hỏi tất yếu của mỗi tòa soạn để hấp dẫn công chúng. Nhưng nếu chỉ câu view câu like bất chấp mà chạy theo thị hiếu tầm thường, thậm chí hạ thấp thị hiếu của công chúng, thì một số tờ báo đang đi ngược lại sứ mệnh cao cả của báo chí là làm cho xã hội tốt đẹp lên.

Khách quan mà nói, báo chí đang đứng trước vô vàn thách thức. Trước cơn lốc của mạng xã hội, các cơ quan báo chí chịu sức ép lớn phải giữ chân độc giả, điều này liên quan trực tiếp đến doanh thu quảng cáo, nguồn sống của báo chí. Năm 2022 dòng tiền quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt mức xấp xỉ 400 triệu USD, nhưng hơn 70% chảy vào túi Google và Facebook. Để xoay sở nguồn thu, nhiều báo khoán cả doanh thu cho phóng viên. Nặng gánh phải kiếm tiền, áp lực tít bài đủ giật gân để nhiều người click chuột vào hay không… cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến ngòi bút của nhiều phóng viên bị lung lay, chệch hướng.

"Nhiều cơ quan báo chí đang vật lộn với vấn đề cơm áo gạo tiền, thu không đủ chi và nhiều cơ quan còn nợ tiền công in, các món khác kể cả bảo hiểm xã hội. Điều đó dẫn đến áp lực rất lớn cho Tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí, để tồn tại chứ chưa nói tới sự phát triển. Nhiều cơ quan báo chí đã dùng hình thức không phù hợp như phân công về nguồn thu cho đơn vị này đơn vị kia, giao trách nhiệm hợp đồng quảng cáo cho phóng viên khi đi thực tế…", nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết.

Kinh tế báo chí là bài toán lớn đặt ra không chỉ cho báo chí Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Nhưng đó không phải lý do để dễ dãi với ngòi bút. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã tăng cường giám sát, xử phạt các cơ quan báo chí sai phạm. Kể từ 2018 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 150 trường hợp với số tiền gần 5 tỷ đồng, thu hồi 17 thẻ nhà báo. Một số tờ báo bị đình bản.

Trước sự bùng nổ của mạng xã hội, con đường khẳng định vị thế của báo chí không phải là đua tranh xem ai nhanh hơn, mà cốt lõi là ai đáng tin cậy hơn, ai chính xác hơn, đúng đắn hơn, định hướng được dư luận hiệu quả hơn, làm sao để mỗi tác phẩm báo chí thực sự là tác phẩm văn hóa, hướng đến những điều tốt đẹp và nhân văn. Phần lớn các nhà báo vẫn đang kiên định con đường này, và chỉ có như vậy khán giả mới không quay lưng với báo chí.

Mạnh tay xử lý tình trạng 'báo hóa' tạp chí, 'tư nhân hóa' báo chí Mạnh tay xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí

VTV.vn - 13 cơ quan báo chí vừa bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng vì những sai phạm liên quan đến "báo hóa" tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước