Hãng phim truyện Việt Nam có lịch sử 70 năm, là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng với những tác phẩm điện ảnh kinh điển đi cùng năm tháng. Cũng vì lịch sử vàng son này, những lùm xùm xung quanh công cuộc cổ phần hóa của hãng phim kéo dài 7 năm qua luôn dành được sự quan tâm chú ý của dư luận.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2017, khi Tổng công ty vận tải thủy mua lại 65% cổ phần của hãng phim, trở thành nhà đầu tư chiến lược và quyết định toàn bộ việc vận hành của hãng. Từ đây, những mâu thuẫn giữa nghệ sĩ, lãnh đạo doanh nghiệp nảy sinh và ngày càng gay gắt, khiếu kiện kéo dài. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc. Sau đó, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo, Tổng công ty vận tải thủy đã đồng ý thoái vốn khỏi hãng phim. Tuy nhiên, trong 7 năm qua, quá trình này chưa đi đến đâu vì còn quá nhiều vướng mắc về pháp lý.
Chủ trương dùng ngân sách Nhà nước mua lại cổ phần để Tổng công ty vận tải thủy rút vốn đã được Thanh tra chính phủ đề xuất từ năm 2017. Sau đó, nhiều lần được lãnh đạo Chính phủ khẳng định. Tuy nhiên, mức giá để mua lại là bao nhiêu thì chưa thể thống nhất. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần yêu cầu Công ty vận tải thủy kê khai chi phí hợp lý, hợp lệ để làm căn cứ tính toán. Nhưng phía nhà đầu tư này cho rằng họ không có nghĩa vụ kê khai mà chỉ đưa ra giá theo nguyên tắc thuận mua vừa bán.
Nhiều cuộc họp, gần 100 biên bản làm việc giữa các bên cho thấy nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng nhiều vướng mắc pháp lý, vượt qua thẩm quyền của Bộ này, như ngay cả khi thỏa thuận được mức giá thì nguồn tiền trả cho nhà đầu tư hiện cũng không biết lấy từ đâu… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mời Công ty kiểm toán CPA Việt Nam xác định lại giá trị thương hiệu của hãng phim nhưng cũng không thể đưa ra con số chính xác. Vì theo quy định hiện hành, giá trị thương hiệu không tính tuổi đời của doanh nghiệp hay những giá trị vô hình về danh tiếng. Với hàng loạt vướng mắc về cơ chế, mới đây Bộ VHTTDL đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất về mặt pháp lý để lấy lại số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược. Vụ việc đã kéo dài 7 năm, lỗ lũy kế của hãng phim đã hơn 47 tỷ đồng. Nếu tiếp tục kéo dài, cả Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động đều mất mát, thiệt hại.
Các bước cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam là đúng với quy định của pháp luật. Trước đây, có ý kiến cho rằng có thiếu sót khi hàng nghìn mét đất vàng không được tính vào giá trị của hãng phim lúc cổ phần hóa. Nhưng thực tế, toàn bộ diện tích hãng phim sử dụng nhiều năm qua là thuê lại của Nhà nước, là tài sản của Nhà nước nên đương nhiên không được coi là căn cứ tính giá trị của hãng phim.
Luật sư Trương Thanh Đức – Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.
"Đất đai là phần có giá trị lớn nhất nhưng trong trường hợp này, đó là đất thuê của Nhà nước hàng năm nên về lý không có đồng nào cả. Thậm chí, nếu không trả tiền thì là nợ Nhà nước. Nếu định giá thông qua bán đấu giá thì thấp, thậm chí ảnh hưởng đến nguồn thu hay giao dịch bình thường. Nhưng trường hợp này, phải khẳng định đấu giá bao giờ cũng hướng đến giá cao nhất. Nếu làm đúng quy trình, thủ tục thì giá thế nào là phải chấp nhận như vậy", luật sư Trương Thanh Đức – Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ.
Một biểu tượng điện ảnh giờ hoang tàn, đổ nát là điều đau xót. Nhưng công bằng mà nói, trước khi cổ phần hóa, hãng phim cũng đã thua lỗ suốt hơn 20 năm. Mức lương trả cho cán bộ nhân viên thời điểm ấy chỉ bằng một nửa mức lương cơ bản của Nhà nước quy định. Đạo diễn Vương Đức – Tổng Giám đốc của Hãng phim truyện Việt Nam lúc ấy – đã phải thốt lên, không cổ phần thì chỉ có nước ôm nhau ra Hồ Tây chết chìm. Nhưng cổ phần đến đâu, như thế nào là bài toán khác. Việc Nhà nước chỉ nắm số cổ phần nhỏ và quyền quyết định thuộc về doanh nghiệp với tư duy khác, cách làm hoàn toàn khác, chính là nguyên nhân gây ra xung đột trong cách làm việc, quản lý và vận hành của hãng phim.
Cổ phần hóa là điều cần thiết. Song câu hỏi đặt ra là liệu Nhà nước có nên từ bỏ vai trò chi phối đối với đơn vị được xem là cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh và trao quyền quyết định vào tay doanh nghiệp tư nhân?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
"Khi có mong muốn hãng phim truyện sau khi được cổ phần hóa vẫn giữ ngọn cờ đầu thì sẽ có cách cổ phần hóa phù hợp hơn. Ví dụ Nhà nước vẫn phải giữ một lượng cổ phần khống chế, để định hướng tạo ra những bộ phim không phải là ăn khách, đạt lợi nhuận tối đa mà là tạo ra sự cân bằng cho sự phát triển điện ảnh, tạo ra định hướng phù hợp cho sự phát triển đạo đức, nhân cách cho mỗi cá nhân và xã hội..", PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết.
Sòng phẳng mà nói, Công ty vận tải thủy cũng đã mất mát nhiều khi vừa tiếp nhận hãng phim đã liên tục chịu khiếu kiện, thua lỗ do không yên tâm đầu tư sản xuất. Không ai được lợi trong vụ việc này. Những vướng mắc về cơ chế cho nhà đầu tư rút vốn cần có sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ. Còn câu hỏi lớn cần được trả lời là quan điểm của Nhà nước đối với điện ảnh như thế nào? Nếu coi đó là lĩnh vực cần bảo hộ thì dù cổ phần hóa thì có lẽ, Nhà nước cũng cần giữ vai trò chi phối với hãng phim chủ lực. Còn nếu coi đó là ngành kinh doanh thông thường thì chấp nhận cho hãng phim có thể bị biến mất trong sự đào thải của thị trường. Một tầm nhìn rõ ràng sẽ giúp cho các quyết định quản lý không rơi vào cảnh dở đi mắc núi, dở về mắc sông đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh nghệ thuật sau này, không riêng điện ảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!