Đào, phở và piano đang là chủ đề nóng trên mạng xã hội thời gian gần đây. Nóng là bởi đã lâu mới có một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, có đề tài lịch sử thu hút được sự quan tâm của công chúng. Thậm chí, phim còn gây ra sốt vé. Nóng bởi những vấn đề đặt ra từ thành công của bộ phim. Đó là yêu cầu đổi mới cơ chế đặt hàng, tài trợ đối với phim sử dụng ngân sách Nhà nước.
"Bộ phim thành công nhất là thu hút được rất nhiều bạn trẻ", "Tôi chưa bao giờ đi xem phim mà phải trải qua cảnh xếp hàng và mọi người đi rất đông", "Bộ phim đã nhặt được những hình ảnh cực kỳ của Hà Nội trong thời kỳ chống Pháp"... đây là chia sẻ của nhiều khán giả tới xem Đào, phở và piano tại rạp. Bộ phim có suất chiếu ra mắt báo giới hồi tháng 9/2023, sau đó chiếu miễn phí ở một số nơi nhân Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3 diễn ra tại Đà Lạt. Nằm trong dự án thí điểm khai thác chiếu rạp thương mại đối với phim Nhà nước đầu tư kinh phí của Bộ VHTT-DL, Đào, phở và piano công chiếu ở Rạp chiếu phim quốc gia vào ngày mùng Tết Nguyên đán Giáp Thìn (ngày 10/2). Thực tế, ở những ngày đầu tiên, bộ phim không gây ra sự chú ý với khán giả. Thế nhưng, nhờ mạng xã hội, bộ phim đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Có thể nói, chính mạng xã hội đã tạo nên sức hút bất ngờ cho bộ phim này.
Đào, phở và piano thành công mà không mất chí phí nào cho công tác quảng bá. Điều này là thành công nhưng nói cho cùng lại khá nghịch lý. Bởi các nhà sản xuất phim tư nhân luôn dành một khoản kinh phí đáng kể cho công tác phổ biến và phát hành, đồng thời coi đây là một khâu quan trọng được tiến hành song song với hoạt động sản xuất phim. Chính vì thế, ngay từ lúc khởi động dự án phim, công tác quảng bá đã được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm và chú ý của dư luận. Lợi thế thông tin với cách thức quảng bá phù hợp đã mang lại hiệu quả rất lớn cho không ít bộ phim, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thông tin diễn ra sôi động như hiện nay. Một bộ phim thành công như Đào, phở và piano đã đặt ra câu hỏi cho dòng phim điện ảnh Nhà nước đặt hàng.
"Đặc biệt khi chúng ta đang chủ trương, bắt tay nỗ lực để xây dựng công nghiệp điện ảnh thì dường như đây là một sự trái quy luật. Kinh phí rất quan trọng nhưng việc tìm ra đường đi, giải pháp như thế nào còn quan trọng hơn. Bởi khi có kinh phí thì cần có cái nghề, nghề quảng bá, tiếp thị. Tôi nghĩ Nhà nước không thiếu tiền đến mức phải yêu cầu anh tư nhân phải bỏ kinh phí của anh ra để chiếu, không có một chút thu nhập nào. Nhà nước chỉ mong phát triển công nghiệp điện ảnh, có nghĩa là phải xây dựng một thị trường điện ảnh, phải lành mạnh và phát triển bền vững. Sự bền vững nhất là tìm ra một cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân để sản xuất và phát hành phim", TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - chia sẻ.
Khi phải chịu sức ép về doanh thu, chịu trách nhiệm về đồng tiền bỏ ra làm phim, mỗi đạo diễn sẽ nỗ lực cố gắng tìm tòi để làm ra tác phẩm tốt nhất có thể. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển. Nhưng dường như những bộ phim sử dụng ngân sách chưa đi theo quỹ đạo này nên phần lớn phim ra rạp đều thất bại ở phòng vé. Bộ phim Đào, phở và piano khiến chúng ta không khỏi trăn trở về hướng đi mới cho công tác phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách, để thành công cho những bộ phim do Nhà nước đầu tư sẽ chắc chắn và bền vững hơn, chứ không phải là những hiện tượng tình cờ, thật bất ngờ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!