Những lợi thế để trở thành Thành phố điện ảnh của UNESCO
Tại TP Hồ Chí Minh, điện ảnh được xem là mũi nhọn trong 8 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Nơi đây được xem là thị trường lớn về sản xuất và phát hành phim của cả nước với số lượng nhà làm phim hùng hậu và số lượng phim rất lớn hàng năm, đa dạng phong phú với nhiều thể loại. Điện ảnh có tốc độ phát triển trung bình 12% một năm, đạt trên 5.000 tỉ đồng, trong đó phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu.
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện để phát triển thành phố sáng tạo về điện ảnh. Năm 2023, Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 Đông Nam Á, trong đó TP Hồ Chí Minh là nơi có lượng khán giả đến rạp đông nhất cả nước, với 56 cụm rạp, chiếm khoảng 40 thị phần điện ảnh của cả nước. Doanh thu ngành điện ảnh thành phố năm 2020 đạt hơn 6.700 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại đây là hơn 800 doanh nghiệp. Hiện thành phố có hơn 100 đơn vị, cơ sở đăng ký sản xuất và phát hành phim.
Buổi showcase phim Lật mặt 7 của đạo diễn Lý Hải trong khuôn khổ HIFF tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút hàng nghìn người tham gia (ảnh: HIFF)
TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều những chính sách, chủ trương, đề án liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, nguồn vốn sáng tạo... Trong hệ sinh thái này có nhiều nội dung liên quan đến công nghiệp văn hóa, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh. Đây cũng là địa phương có chính sách cho vay vốn kích cầu đầu tư, trong đó những người làm phim, những người tham gia phát triển công nghiệp điện ảnh có thể vay 200 tỉ đồng không lãi suất trong vòng 7 tháng.
Tọa đàm phát triển điện ảnh TP Hồ Chí Minh (ảnh: HIFF)
"Khi chúng ta đặt trọng tâm, mong muốn phát triển thì phải đầu tư nghiêm túc, khai thác được tất cả tiềm năng vốn có, kêu gọi được nguồn lực từ bên ngoài phối hợp với nguồn lực tại chỗ để phát triển trong thời gian nhanh nhất, bền vững nhất. Điện ảnh phải là cội rễ văn hóa, phản ảnh những gì tốt đẹp của dân tộc. Phát triển điện ảnh cũng là tác động kép góp phần xây dựng kinh tế xã hội, tăng GDP, tạo dựng hình ảnh, vị thế của đất nước", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Dương Anh Đức nhấn mạnh trong Tọa đàm thuộc khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF) 2024.
Cú hích từ HIFF 2024
Việc tổ chức kỳ HIFF lần đầu tiên được đánh giá là bước đi cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu trở thành Thành phố điện ảnh.
Với hơn 300 tác phẩm, dự án ở các thể loại từ 29 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 200 khách mời quốc tế và Việt Nam tham gia các hoạt động, HIFF 2024 nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các chuyên gia, nhà làm phim và đội ngũ nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ngoài chương trình chiếu phim, chấm giải, thì hoạt động hội thảo, toạ đàm là một trong những điểm nhấn quan trọng trong khuôn khổ Liên hoan phim. Nhiều nội dung liên quan chiến lược phát triển Điện ảnh thành phố và Việt Nam đã thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà quản lý, các cơ quan nhà nước, các nghệ sĩ. Trong đó những nội dung về xúc tiến, phát triển công nghiệp điện ảnh, về hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua điện ảnh đã được các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận một cách chuyên sâu và đạt chất lượng cao.
Cineshow với những ca khúc nhạc phim nổi tiếng (ảnh:HIFF)
Hoạt động trình chiếu phim ngoài trời và giao lưu với các nghệ sĩ (ảnh: HIFF)
Bên cạnh đó, các hoạt động chiếu phim công cộng kết hợp trình diễn nghệ thuật; giao lưu các đoàn làm phim, các diễn viên, đạo diễn, ca sĩ… nổi tiếng qua các thời kỳ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực Công viên bờ sông Sài Gòn – Thành phố Thủ Đức cũng góp phần tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng của HIFF 2024. Điểm nhấn đặc biệt của HIFF 2024 là việc giới thiệu các bộ phim lớn mới ra mắt toàn cầu hoặc tham dự các Liên hoan phim lớn trên thế giới, qua đó nâng tầm sự kiện lên một đẳng cấp mới.
Có thể nói trong khoảng thời gian từ 6-13/4, HIFF đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, tôn vinh những sáng tạo của các nhà làm phim trong nước và quốc tế, tạo nên bầu không khí điện ảnh sôi nổi cho người dân thành phố, dù vẫn còn không ít bất cập trong lần đầu tiên tổ chức.
Kinh nghiệm từ các chuyên gia điện ảnh thế giới
Đạo diễn Kore-eda Hirokazu – người được mệnh danh là "bảo vật" của điện ảnh Nhật Bản trong thời gian tham gia HIFF 2024 đã có những cuộc giao lưu, gặp gỡ, workshop để trao đổi về việc làm phim với giới báo chí, khán giả hâm mộ và nhất là những người trẻ tuổi đang khát khao, đam mê theo đuổi nghệ thuật thứ bảy.
Đạo diễn Kore-eda Hirokazu (ảnh: HIFF)
Từ góc nhìn của Kore-eda Hirokazu, trong lần đầu tiên tổ chức một kỳ LHP quốc tế không nên đặt nặng việc phải mời được ngay những ngôi sao nổi tiếng, quy tụ những bộ phim nổi tiếng mà cần coi trọng hiệu quả của quá trình giao lưu, tương tác, mang tâm thế tìm tòi, nuôi dưỡng, phát hiện các nhà làm phim mới. Thay vì tìm những gì đã nổi tiếng sẵn hãy động viên, cổ vũ cho những tài năng riêng có từ LHP từ đó đồng hành cùng họ, giúp họ trưởng thành để cùng nhau đi lên, cùng nhau trưởng thành.
Đạo diễn bậc thầy từ Nhật Bản cũng cho rằng, thành phố điện ảnh là nơi sẵn sàng hỗ trợ hậu cần nhưng để nhà làm phim được tập trung thực hiện công việc của mình.
Đạo diễn Hàn Quốc Kim Jee Woon thì nhận định cơ hội để phát triển của TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực điện ảnh là rất khả quan vì ở đây có nguồn năng lượng mạnh mẽ, sự năng động, trẻ trung. Trong thời gian tham gia HIFF, ông Kim Jee Won cho biết đã tiếp xúc với nhiều nhà làm phim trẻ và hào hứng với việc làm phim tại TP Hồ Chí Minh trong tương lai cũng như giới thiệu về thành phố tới với giới làm điện ảnh Hàn Quốc.
Đạo diễn Kim Jee Woon (ảnh: HIFF)
Với tư cách nhà sáng lập LHP Busan và là Chủ tịch danh dự của HIFF 2024, ông Kim Dong Ho đánh giá cao việc tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm chất lượng với sự tham gia của đông đảo chuyên gia uy tín trong và ngoài nước. Các chợ dự án sôi nổi và đặc biệt là sự có mặt của những tên tuổi lớn đến từ các quốc gia có nền điện ảnh phát triển hàng đầu khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc khiến cho kỳ HIFF lần đầu tiên đạt được thành công đáng ghi nhận. Ông cũng nhấn mạnh, một LHP cần được đầu tư, truyền thông, quảng bá nhiều hơn để thu hút các tên tuổi lớn, nâng tầm vị thế. Ông Kim Dong Ho cho rằng, mục tiêu phù hợp với HIFF là trở thành tâm điểm của điện ảnh Đông Nam Á, là bệ phóng, là điểm tựa khích lệ cho các nhà làm phim trẻ, giàu tiềm năng.
Ông Kim Dong Ho (ảnh: HIFF)
Năm 2025 sẽ diễn ra sự kiện kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là năm TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 25. Có thể nói, chùm 3 sự kiện lớn: Liên hoan phim ngắn, HIFF và Liên hoan phim Việt Nam là các hoạt động liên tiếp, mang tính tổng thể nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh của Thành phố. Khán giả yêu điện ảnh cũng đang hào hứng đặt lịch hẹn ra rạp trong dịp 30/4/2025 để thưởng thức một trong những bộ phim về đề tài chiến tranh nhận được rất nhiều sự quan tâm, kỳ vọng: Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Poster phim Địa đạo (ảnh: Galaxy)
Năm 2004, UNESCO đã thành lập Mạng lưới Thành phố sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.
Tính đến nay, Mạng lưới Thành phố sáng tạo có hàng trăm thành phố thuộc các châu lục trên thế giới tham gia; tập trung vào 7 lĩnh vực gồm: Thiết kế; Văn học; Âm nhạc; Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật truyền thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!