Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu: Nghiêm khắc với bản thân để chinh phục giấc mơ

Thu Huệ-Thứ bảy, ngày 14/09/2024 14:11 GMT+7

VTV.vn - Nghệ sĩ ballet Nguyễn Đức Hiếu được đánh giá là gương mặt vàng của ballet Việt Nam.

Bắt đầu với bộ môn khiêu vũ thể thao từ năm 7 tuổi, lý do gì khiến 7 năm sau đó Đức Hiếu muốn chuyển sang chinh phục nghệ thuật múa ballet?

Có lẽ là vì vô tình một ngày tôi thấy sự khắt khe trong môn nghệ thuật này rất phù hợp với cá tính cầu toàn của bản thân. Những yêu cầu về độ chính xác cao nhất của một môn nghệ thuật sử dụng hình thể vô tình đã làm thỏa mãn cá tính của tôi.  

Việc chuyển từ khiêu vũ thể thao sang múa ballet phải mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh dáng múa, thế nhưng Hiếu không chỉ vượt qua mà còn đạt được rất nhiều thành tích ấn tượng. Đâu là động lực giúp Hiếu đạt được điều đó?

Bộ môn nhảy khiêu vũ yêu cầu vận động viên phải có một cái hông thật dẻo nhưng đây cũng chính là điều tối kỵ đối với diễn viên múa ballet, bởi người diễn viên múa ballet hàng ngày tập luyện để có thể giữ được phần khung xương hông cân bằng và ít biến động nhất có thể. Một người luyện tập bộ môn nhảy khiêu vũ hơn 7 năm như tôi thì khi tập ballet như xây dựng lại cơ thể từ đầu, nhưng có lẽ vì thấy mình quá thích và nó hợp với sở thích, cá tính của mình nên tôi không suy nghĩ nhiều, dù phải bắt đầu từ con số 0. Khi đã biết mình thích và yêu cái gì thì tôi tiến tới một cách hết mình.

Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu: Nghiêm khắc với bản thân để chinh phục giấc mơ - Ảnh 1.

Múa ballet là bộ môn nghệ thuật hàn lâm. Để chinh phục được nó, ngoài những nỗ lực của bản thân, theo Hiếu, người nghệ sĩ cần phải có những phẩm chất gì?

Ballet trong tôi như một bộ môn toán học cần sự chuẩn xác và biến những thứ khô cứng ấy thành một điều mang tính nghệ thuật. Nỗ lực của bản thân là điều rất quan trọng vì bất cứ bộ môn nào hay ngành nghề gì mà không có sự nỗ lực chăm chỉ thì đều không đem lại kết quả tốt. Đặc biệt, ballet là môn cần tập luyện rất nhiều vì nhiều kĩ thuật múa đòi hỏi diễn viên phải nhớ và làm nó một cách vô thức. Nhưng nếu chỉ có sự nỗ lực của bản thân thôi thì chưa đủ, để theo đuổi bộ môn này một cách triệt để, diễn viên cần có sự nhìn nhận tinh tế và đón nhận những điều xảy ra trong cuộc sống. Ngoài ra, việc làm giàu thêm cảm xúc cá nhân là điều rất quan trọng. Nghệ thuật là mang những cảm xúc và năng lượng đến với khán giả, bởi vậy chính người diễn viên phải là một người giàu cảm xúc thì mới có thể mang cho cộng động nguồn năng lượng đủ để cảm nhận.

Trong những vở múa ballet mà Hiếu đã đã từng tham gia, đâu là vở khó khăn nhất mà Hiếu phải chinh phục cho đến thời điểm này?

Đối với tôi, khó nhất chắc là vở ballet Giselle. Vở múa này được biên đạo xây dựng tính kịch và múa rất dày, từ đầu cho tới cuối là liên tục những phân cảnh biến đổi về mặt cảm xúc, đòi hỏi diễn viên chính phải có kinh nghiệm sống khá nhiều.

Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu: Nghiêm khắc với bản thân để chinh phục giấc mơ - Ảnh 2.

Để đào tạo được một nghệ sĩ ballet phải mất hàng chục năm trời khổ luyện, thế nhưng thời đỉnh cao lại không kéo dài được lâu. Cảm xúc của Hiếu thế nào khi biết trước rằng một hành trình nhọc nhằn chỉ để đổi lấy hào quang trong một thời gian ngắn?

Chưa bao giờ tôi nghĩ đây là một sự đánh đổi, với tôi, làm diễn viên múa là điều rất tuyệt vời. Tôi luôn sống cùng sự tích cực nhìn nhận nghề nghiệp theo hướng thoải mái nhất. Mỗi lúc thấy sự khó khăn và tiêu cực ập đến, tôi sẽ gạt nó đi vì nhắc nhở rằng tuổi nghề đã ngắn nên mình không có thời gian để bi quan.

Là một nghệ sĩ thuộc thế hệ gen Z nhưng Hiếu đã sưu tập cho mình một gia tài khá đồ sộ với rất nhiều giải thưởng. Đâu là bí quyết để giúp Hiếu chinh phục được những thành tích này?

Tôi nghĩ, kỷ luật nghiêm khắc với bản thân là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là với những bộ môn yêu cầu sự chính xác. Tôi luôn đặt cho mình một mục tiêu và có giấc mơ khát khao chinh phục.

NSƯT Trần Ly Ly - nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam từng nhận xét về Hiếu: “Múa như thở, múa như nước, tức là phải đạt đến độ tinh tế, long lanh, mềm mại, ngọt ngào. Sự chuyển động phải như gió, như nước thì mới đạt đến trình này”. Hiếu thấy nhận xét đó về mình thế nào?

Tôi trân trọng những lời nhận xét từ phía lãnh đạo của mình. Đi cùng hạnh phúc khi được công nhận như vậy cũng là những áp lực với tôi. Múa là cả một quá trình và mỗi ngày đều phải trau dồi lượng kiến thức rất lớn về nghệ thuật nhảy múa, tôi cảm thấy mình cần tiếp tục học hỏi, tập luyện nhiều hơn để bản thân mình sẽ là phiên bản tốt hơn qua mỗi ngày.

Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu: Nghiêm khắc với bản thân để chinh phục giấc mơ - Ảnh 3.

Ở Việt Nam, múa ballet được mặc định là nghệ thuật kén khán giả, tuy nhiên gần đây các buổi diễn ballet ngày càng đông người xem, Hiếu có nhận định gì về tương lai của nghệ thuật múa ballet của Việt Nam?

Tương lai của nghệ thuật múa ballet sẽ rất sáng khi thế hệ trẻ được tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến ballet. Đồng thời, khán giả càng ngày càng chắt lọc hơn, tiêu chuẩn sẽ được nâng cao. Ballet hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đó vì một vở ballet vừa có tính giải trí qua hình thức xem bằng mắt, nghe bằng tai và điều quan trọng nhất đó chính là giá trị của nó không hề đơn giản. Ballet có thể chính là sự miêu tả của tình hình chính trị, xã hội lúc bấy giờ, qua đó chúng ta sẽ có thêm nhiều cái nhìn sâu sắc của xã hội. Cộng hưởng bởi tất cả mọi khía cạnh đó, tôi hoàn toàn tin vào một tương lai tươi sáng cho nghệ thuật ballet hay các môn nghệ thuật khác khi ngày càng có nhiều người đi tìm những giá trị thật.

  Xin cảm ơn Đức Hiếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước