Nghệ thuật truyền thống loay hoay tình trạng nghệ sĩ tuổi diễn đã qua, tuổi hưu chưa tới

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 17/07/2023 14:22 GMT+7

VTV.vn - Một số lượng lớn diễn viên lớn tuổi tại các nhà hát không thể đảm đương được vai diễn nữa nhưng lại chưa đến tuổi nghỉ hưu.

Cả nước hiện có hơn 100 đơn vị nghệ thuật công lập ở Trung ương và địa phương. Đây là đội quan chủ lực duy trì, phát huy sức sống của các loại hình nghệ thuật tinh hoa của dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc, kịch. Trong bối cảnh bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống muốn thu hút khán giả phải không ngừng sáng tạo đổi mới. Muốn vậy, nguồn nhân lực phải dồi dào, chất lượng. Thế nhưng, các đơn vị này hiện đang đối mặt với tình trạng già hóa trầm trọng. Một số lượng lớn diễn viên lớn tuổi không thể đảm đương được vai diễn nữa nhưng lại chưa đến tuổi nghỉ hưu. Các nhà hát đang loay hoay với tình trạng diễn viên tuổi diễn đã qua, tuổi hữu chưa tới.

Được vào biên chế, có thu nhập ổn định là quyền lợi chính đáng của các nghệ sĩ dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật. Xét về lý và tình, không thể vắt chanh bỏ vỏ như cách của một số lãnh đạo nhà hát. Nhưng hơn đâu hết, nghệ thuật mất đi sự trẻ trung, sáng tạo thì sẽ mất đi sức sống. Bởi vậy, cần có cơ chế hợp lý để đảm bảo sự tiếp nối thế hệ trong các đoàn nghệ thuật.

"Nhiều đối tượng nghệ sĩ đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu vẫn chơi và hưởng lương hàng tháng, giữ biên chế và không có chỉ tiêu cho thế hệ trẻ vào. Tình trạng ấy khiến chúng ta lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí các đối tượng đã được đào tạo và cả những đối tượng hết tuổi làm nghề. Bởi hết tuổi làm nghề nên nhiều người muốn nghỉ để làm công việc khác, đóng góp cho xã hội và gia đình nhưng cuối cùng không ra được mà vẫn hưởng lương rồi chơi. Điều ấy lãng phí khủng khiếp", TS. Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ.

"Cơm áo không đùa với khách thơ", có không ít diễn viên trẻ sau nhiều năm học hành phấn đấu đã phải rời bỏ nhà hát. Một phần vì không đủ sống, một phần không được vào biên chế mà chỉ được ký hợp đồng vụ việc ngắn hạn.

Trong khi đó, một số đoàn tuồng hiện đang thừa chỉ tiêu biên chế nhưng không tuyển được người. Bởi vài năm qua, cơ sở đào tạo ngành tuồng đã không còn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rất nỗ lực trong việc trình Chính phủ dự thảo Nghị định đào tạo đặc thù các ngành nghề nghệ thuật trong năm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi lộ trình suôn sẻ, việc đào tạo tuồng được khôi phục lại thì ít nhất, 5 năm nữa mới có một lứa diễn viên mới vào nghề. Tới khi đó, có 20% nhân lực của nhà hát tuồng Việt Nam đã nghỉ hưu. Việc duy trì hoạt động bình thường của nhà hát đã được nhìn thấy trước là rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều trăn trở về đời sống, chính sách đãi ngộ cho nghệ sĩ cũng mang đến nhiều trăn trở.

Hiện nay, học sinh theo học nghệ thuật dân tộc đã có một số ưu đãi về học phí và trang thiết bị học tập. Mới đây, nhiều ngành nghề nghệ thuật cũng được xếp vào diện nặng nhọc độc hại được hưởng chính sách của Nhà nước. Ý thức bảo tồn di sản văn hóa từ các cấp quản lý đến cộng đồng ngày càng tăng lên. Đó là những tín hiệu đáng mừng nhưng chưa đủ. Cần những giải pháp mạnh mẽ đi vào đời sống hơn nữa. Chỉ khi nghệ sĩ có thể sống được với nghề, yên tâm làm nghề thì mới thăng hoa được trong nghệ thuật. Người trẻ tuổi mới đủ lòng tin đi theo nghệ thuật truyền thống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước