Ngày 10/10/1954 chính là ngày trọng đại đối với mọi người dân Hà Nội. "Đây chính là lúc đoàn quân giải phóng tiến vào Thủ đô, là ngày những người dân sống trong vùng tạm chiến như tôi đây thực sự có được tự do!" - nhà sử học lê Văn Lan xúc động khi nói về ngày giải phóng Thủ đô 62 năm về trước. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng những hình ảnh về đoàn quân giải phóng tiến vào Hà Nội vẫn còn in đậm trong tâm trí ông.
"Tôi có 3 người anh đi bộ đội, 1 người đã hi sinh trong một chiến dịch ở Bắc Kạn. Hai người anh còn lại đã làm cách mạng từ khi thành lập Trung đoàn Thủ đô. Tôi ngày ấy cũng từng giúp các anh hoạt động cách mạng. Vẫn còn nhớ những hộp bánh bích quy được đục đáy để cho truyền đơn vào và tôi là người đã mang những hộp bánh bích quy đựng đầy truyền đơn ấy mang đi để rải khắp phố phường, vừa đi vừa hát. Ngày quân giải phóng tiến vào là lúc tôi đã 18 tuổi, học xong tú tài toàn phần" - nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ niềm vui về những kỷ niệm ngày giải phóng.
Với nhà sử học Lê Văn Lan, cầu Long Biên là nơi đã chứng kiến cảnh Thủ đô hoàn toàn sạch bóng quân thù
Khi nói về công cuộc giải phóng Thủ đô, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: "Công cuộc giải phóng Thủ đô trong năm 1954 khác với những công cuộc giải phóng trước đó. Nhưng để đạt được kết quả ấy là nhờ vào những bài học trước đây, từ phương thức đấu tranh đến thế trận, tư tưởng. Điều này đã làm nên một cuộc tổng hòa sức mạnh ở thời đại Hồ Chí Minh". Ông cho rằng công cuộc giải phóng vào ngày 10/10 rất lẫy lừng và ý nghĩa, nhờ có công cuộc giải phóng Thủ đô mới có thể giải phóng được toàn miền Bắc, có được hậu phương lớn và vững chắc để giải phóng toàn đất nước. Theo nhà sử học Lê Văn Lan, để có được những chiến thắng này, những nhà lãnh đạo cách mạng đã có sự học tập, kế thừa rất lớn từ những trận chiến giải phóng Thủ đô trong những triều đại lịch sử trước đây.
Nói về những công cuộc giải phóng kinh đô trong lịch sử, nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ: "Vào thời tiền Thăng Long, mảnh đất này có tên là Đại La, nơi mà quân nhà Đường đặt bộ máy thống trị cai quản nước ta. Vào thời kì này, trận đánh của Khúc Thừa Dụ chính là công cuộc giải phóng đầu tiên trên đất Đại La tức kinh đô Thăng Long sau này, đây chính là công cuộc giải phóng đầu tiên ở thời kì tiền Thăng Long".
Nhà sử học Lê Văn Lan cũng nói rõ hơn về trận chiến giải phóng Thăng Long khỏi quân Mông Cổ của nhà Trần diễn ra vào năm 1258 tại Đông Bộ Đầu, nay là đường Hòe Nhai, Hà Nội. Trong trận đánh này, vua Trần Thái Tông đã có ý định quyết đấu "như canh bạc cuối" một mất một còn với địch, phải nhờ đến dũng tướng Lê Tần can ngăn, vua Trần Thái Tông mới sực tỉnh, quyết định đưa cả triều đình rời khỏi kinh thành Thăng Long. Nhà sử học cho biết: "Đây là trận đánh để lại nhiều bài học nhất về chiến lược quân sự, như việc không bao giờ đánh theo kiểu của giặc, nhà quân sự phải luôn tỉnh táo để giữ gìn lực lượng và quan trọng nhất là mất kinh đô không phải là mất nước".
Những bài học này đã được chứng minh trong những công cuộc giải phóng Thăng Long – Hà Nội sau này. Đặc biệt là trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1954, Hà Nội bị giặc Pháp chiếm đóng cầm giữ trong 8 năm. Nhưng qua những bài học xương máu từ lịch sử, quân ta đã xây dựng lực lượng, đánh một trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ, đồng thời đấu tranh trên cả hai mặt trận ngoại giao và quân sự, đưa đến việc giành thắng lợi và giải phóng Thủ đô vào ngày 10/10/1954.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!