Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu. Bên cạnh đó, gần 200 bảo tàng lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, với nhiều hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Tất cả các dữ liệu di sản này sẽ từng bước được số hóa. Đây có thể coi là cuộc cách mạng trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, biến di sản thành nguồn lực trong phát triển kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa vẫn còn không ít khó khăn, từ cơ sở vật chất đến nguồn lực con người.
Tại Viện Bảo tồn di tích lưu giữ kho tư liệu đồ sộ về hệ thống di tích trên toàn quốc. Tính đến thời điểm này, có hơn 4.000 di tích, hơn 6.300 tư liệu di tích và 123.000 tài liệu đã được số hóa. Tuy nhiên, con số này còn rất nhỏ so với tổng số lượng dữ liệu về các di tích. Dữ liệu thu thập ngày càng tăng lên nhưng số chuyên viên làm công việc số hóa chỉ có 2-3 người, đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, vừa làm số hóa vừa phục chế tài liệu hư hỏng. Máy móc thiết bị mới chỉ đáp ứng số hóa cơ bản.
Ở cấp địa phương, các bảo tàng, thư viện vẫn còn lúng túng, ngần ngại khi triển khai chuyển đổi số. Năm 2016, Bảo tàng Hải Phòng xây dựng phần mềm quản lý hiện vật. Đến nay, đơn vị đã số hóa được 12.700 dữ liệu hiện vật, hơn 22.000 hiện vật thực tế. Việc chuyển đổi dữ liệu còn vướng mắc khi nhiều địa phương muốn làm nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, kinh phí và ngân sách.
Công nghệ, nhân lực và tài chính là những điểm nghẽn cần tháo gỡ khi thực hiện quá trình chuyển đổi số. Trong khi chờ những vấn đề này được giải quyết, di sản văn hóa đang đối mặt với nguy cơ bị mất mát, lãng quên. Việc số hóa dữ liệu ngành văn hóa cần thực hiện nhanh chóng, bài bản và đồng bộ, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 34 trong đó yêu cầu mỗi bộ ngành địa phương cần có một đề án đột phá về chuyển đổi số, kết nối với Đề án 06. Đối với ngành văn hóa, số hóa các dữ liệu di sản nếu thành công thì sẽ là bước đột quá quan trọng trong hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời là cơ sở dữ liệu quan trọng cho hoạt động quản lý và đầu tư phát triển văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!