Rạp phim “ký ức” dần biến mất
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, phim nhà nước là nguồn phim duy nhất tại các rạp chiếu. Chính vì thế, đây có thể gọi là “thời kỳ hoàng kim” của các rạp chiếu quốc doanh khi khán giả kéo đến rạp xem phim đông không kể xiết. Thời đó, thậm chí để mua được vé xem phim người ta còn phải xếp hàng dài chờ đợi.
Những rạp chiếu một thời từng được xem là điểm sáng của điện ảnh Hà Nội như: Trung tấm chiếu phim Quốc gia trên phố Láng Hạ, Tháng Tám và Kim Đồng trên phố Hàng Bài, Đại Đồng ở Hà Đông, Bạch Mai trên phố Bạch Mai, Ngọc Khánh ở phố Kim Mã, Dân Chủ ở Khâm Thiên, Quân đội ở Lý Nam Đế … vẫn thuộc lòng trong ký ức của nhiều người dân. Trong đó, rạp Tháng Tám và Trung tâm chiếu phim Quốc gia là nổi tiếng nhất vì nằm trên phố trung tâm, lại thường có phim mới sớm nhất và quảng cáo bằng pano rất rầm rộ.
Rạp Dân Chủ bất ngờ đóng cửa khiến nhiều người tiếc nuối.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền còn nhớ, hồi 9 tuổi, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập, xí nghiệp của mẹ chị tổ chức cho các gia đình công nhân viên chức đi xem phim ở rạp Dân Chủ. Hồi đó đến xem phim nhưng chị không xem phim mà chỉ mải ngó nghiêng xung quanh vì cảm thấy choáng ngợp trước màn hình to gấp nhiều lần so với chiếc tivi đen trắng bé xíu ở nhà. Thời đó, ghế trong rạp chiếu này cũng chỉ là khung sắt đế gỗ chứ không được bọc đệm như bây giờ nên hết buổi chiếu phim ai cũng kêu ê mông nhưng vẫn rất thích thú.
Tuy nhiên, khi bước sang thời mở cửa, các rạp chiếu phim quốc danh dần “rơi rụng” trong cơ chế thị trường. Nhiều rạp phim đã phải chuyển đổi mô hình hoạt động sang những lĩnh vực mới như: rạp Đại Đồng, Mê Linh thành vũ trường, Bạch Mai thành quán bán đồ ăn nhanh, Kim Đồng từng có một thời thành bãi gửi xe, rạp Đặng Dung thành quán nhậu… Mới đây, rạp chiếu phim Dân Chủ thông báo đóng cửa để làm thủ tục giải thể công ty đã vẽ thêm một màu tối vào bức tranh ảm đạm của các rạp chiếu phim có tuổi đời trên 40 năm. “Cái chết này” có phần đường đột với nhiều khán giả nhưng đã nằm trong suy đoán của nhiều người từ nhiều năm về trước.
“Cái chết” đã nằm trong dự đoán
Thực tế, rạp Dân Chủ, rạp Tháng Tám và một số cụm rạp trong nội ngoại thành TP. Hà Nội từ lâu đã không còn là rạp quốc doanh mà đã thuộc sự quản lý của công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, ngay cả khi đã rơi vào tay công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội thì các rạp chiếu cũng vẫn luôn trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Một số rạp do làm ăn không hiệu quả nên đã phải trả lại mặt bằng cho Nhà nước như: Đại Đồng, Long Biên, Bắc Đô, Sóc Sơn. Tính đến thời điểm hiện tại (tính cả rạp Dân Chủ vừa ngừng hoạt động), công ty chỉ còn một điểm trực tiếp quản lý hoạt động chiếu bóng là rạp Tháng Tám.
Rạp Tháng Tám trên phố Hàng Bài cũng đang phải đương đầu với không ít khó khăn trong việc kéo khách đến rạp.
Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, Việt Nam hiện có gần 100 rạp chiếu với 250 phòng chiếu, trong đó nhà nước quản lý 72 rạp với 104 phòng chiếu.
Từ năm 2006 đến nay, khi khái niệm “Cineplex”– cụm tổ hợp rạp chiếu phim liên hoàn do MegaStar, Galaxy và BHD khởi xướng chính thức tồn tại ở Việt Nam thì doanh thu cao hàng năm đều tập trung vào tay những “ông lớn” này.
Tại Hà Nội, theo thống kê thì số khán giả đến với Galaxy Cinema đạt 450.000 lượt một năm, cao gấp 1,5 lần mức bình quân của các rạp do doanh nghiệp trong nước quản lý. Rạp CGV là 600.000 lượt/năm, cao gấp đôi mức trung bình.
Trong cuộc họp mới đây của Cục Điện ảnh để bàn về việc phát hành và phổ biển phim, một điều đã được chỉ rõ là các hệ thống rạp tư nhân đang là lựa chọn số 1 của khán giả. Những cụm rạp tư nhân không chỉ sở hữu số lượng phòng chiếu lớn, một hệ thống âm thanh, công nghệ hình ảnh đạt chuẩn quốc tế mà còn công chiếu độc quyền nhiều bộ phim “bom tấn” của thế giới. Ngoài ra, nếu trước đây việc phân phối các bộ phim Việt Nam được Nhà nước “bổ đầu” cho các rạp chiếu quốc doanh thì nay những đơn vị tư nhân như: BHD, Galaxy, Saigon Media, A Company... được phép trao đổi và ký hợp tác với các đơn vị sản xuất theo Luật Doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng, đây chính là lý do khiến các rạp chiếu phim do công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội quản lý trở nên bị yếu thế.
Rạp chiếu phim Đặng Dung bây giờ trở thành quán bán bia.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là rạp Dân Chủ được nhiều người nhận định là nằm ở phố Khâm Thiên là con phố khá trung tâm của Hà Nội, lại mới được đầu tư cải tạo phòng chiếu lớn nhất với 326 ghế ngồi, màn ảnh rộng 300 inch, dàn âm thanh mái vòm, nhân viên phục vụ nhiệt tình, hệ thống phim thời thượng luôn được cập nhật… Xét về mặt cơ sở hạ tầng thì phòng chiếu này không thua kém gì mấy so với rạp của các “ông lớn”, vậy sao vẫn phải đóng cửa?
Nguyên nhân được một chuyên gia nhận định là do các rạp chiếu kiểu này rất yếu về khâu tiếp thị, quảng bá. Trong khi hệ thống các rạp chiếu của các “ông lớn” luôn chú trọng quảng bá rạp chiếu, quảng bá cho phim từ khi phim mới chỉ là dự án trên giấy thì các rạp chiếu dạng này lại để “hữu xạ tự nhiên hương”. Tâm lý “bao cấp” cho điện ảnh dường như vẫn cố hữu trong tư duy thương mại. Và đó là lý do mà nguy cơ về việc giải thể hoặc đóng cửa những cơ sở chiếu bóng quốc doanh đã được tiên liệu từ lâu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!