"Những hoa văn, phù điêu trên Bia Quốc học Huế bị bóc đi dễ dãi"

Theo Đào Bích/VOV-Thứ hai, ngày 16/01/2017 21:29 GMT+7

VTV.vn - Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng cho rằng: Điều đau lòng nhất là những hoa văn, phù điêu trên Bia Quốc học Huế đã bị bóc đi, bị gỡ xuống một cách dễ dãi.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng (Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) là một chuyên gia nghiên cứu về Huế. Bởi vậy, ông quan tâm tới câu chuyện trùng tu về Bia Quốc học Huế không chỉ ở góc độ của một người con xứ Huế mà còn ở góc độ của một người gắn bó và am hiểu.

Những hoa văn, phù điêu trên Bia Quốc học Huế bị bóc đi dễ dãi - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng

"Hãy quan niệm Bia Quốc học Huế như một di sản văn hóa, chúng ta mới thấy hết giá trị lịch sử của công trình này. Chỉ 3 năm nữa thôi, Bia Quốc học Huế tròn 100 năm. Công trình ấy đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của mảnh đất này. Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước không thể công nhận quá nhiều di tích lịch sử là cấp quốc gia để trang trải kinh phí. Phương thức tối ưu, then chốt là xã hội hóa để tất cả chúng ta, từ Nhà nước đến người dân đều cùng nhau nâng niu một di sản.

Để làm được điều đó, cơ quan chức năng cần tôn trọng tiếng nói, sự đóng góp của các chuyên gia di sản, chuyên gia lịch sử và cả người dân. Trước khi trùng tu một di sản văn hóa, hãy hỏi ý kiến của họ.

Với di sản, một viên gạch vỡ ai đó quá sai lầm khi dễ dàng xem nó là rác. Đó thực sự là dấu vết còn lại của những giá trị mỹ thuật, văn hóa tuyệt vời, là mảnh rơi quý giá của truyền thống. Trong nghệ thuật tạo hình, chúng ta làm lại không bao giờ đẹp bằng nguyên bản của di sản. Nó là thành quả và là tác phẩm của truyền thống lịch sử, của truyền nhân.

Di sản Bia Quốc học Huế đã tồn tại gần 100 năm nhưng không thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, không thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử cố đô Huế, cuối cùng nó nằm tới, nằm lui trong công viên dọc bờ sông Hương. Vì vậy, nó thuộc sự quản lý của Trung tâm công viên cây xanh Huế, đồng đẳng với mấy hàng cây xanh vừa mới mọc lên gần đấy. Đó là nỗi đau của người Huế và người dân Huế họ không hiểu vì sao một công trình mỹ thuật có giá trị cao như vậy lại cứ tồn tại một cách "bơ vơ" qua gần 100 năm, từ hàng chục năm trước mà không được một nhà quản lý, một cơ quan chức năng nào dành cho nó sự quan tâm xứng đáng", TS Trần Đình Hằng nói.

Những hoa văn, phù điêu trên Bia Quốc học Huế bị bóc đi dễ dãi - Ảnh 2.

Bia Quốc học Huế đang được trùng tu. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

Chuyên gia nghiên cứu Huế chia sẻ, ngay khi nhìn thấy những người thợ đầu tiên gõ búa trên Bia Quốc học Huế, chính ông đã tự liên hệ với cơ quan chức năng nhưng lời nói của ông đã bị bỏ qua. Vì họ cho rằng mình đã có đủ tài liệu và làm đúng quy trình.

Theo TS Trần Đình Hằng, màu vàng hay màu đỏ được sơn lại không phải là quan trọng nhất. Điều đau lòng nhất là những hoa văn, phù điêu trên đó đã bị bóc đi, bị gỡ xuống một cách dễ dãi.

"Bia Quốc học Huế và những ồn ào đang diễn ra xung quanh là một phép thử để thể hiện ra hết tất cả những quan niệm sai lầm của chúng ta, từ suy nghĩ đến hành xử của nhà quản lý, nhà nghiên cứu và nhà trùng tu về một dấu tích được xem là di sản văn hóa.

Điều quan trọng là chúng ta phải vượt ra khỏi quan niệm của hành chính, bởi di tích lịch sử là một quan niệm về hành chính. Nếu quan niệm phải được công nhận di tích lịch sử mới được tính thì nên nhìn rộng ra và vị tha hơn, nên xem đó là một di sản văn hóa.

Tượng đài có hai ý nghĩa quan trọng: Một là khắc ghi một niềm vui của chiến thắng hay một nỗi buồn của chiến bại trong quá khứ. Hài là tưởng nhớ những người đã nằm xuống vì một nỗi đau chung. Nó còn có ý nghĩa là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Thế nhưng, trước một bức thông điệp đẹp đẽ ấy, chúng ta lại hành xử quá trần trụi và thô thiển. Điều này càng khoét sâu hơn nỗi đau trong quá khứ.

Những hoa văn, phù điêu trên Bia Quốc học Huế bị bóc đi dễ dãi - Ảnh 3.

Hình ảnh Bia Quốc học Huế trước khi được trùng tu. Ảnh: Hà Thành

Trùng tu Bia Quốc học Huế hay nhiều công trình di sản hiện nay đang là bước thụt lùi, tụt dốc của nền văn hóa và nhiều khoảng trống bị bày ra mà chúng ta buộc phải xử lý trong thời gian tới. Một câu chuyện nhỏ thôi nhưng đó là phép thử của nhiều phương diện: tâm lý, tâm linh, hành chính, trùng tu và một quan niệm xâu chuỗi hết mọi thành kiến của xã hội", TS Trần Đình Hằng nói.

Ngày mai (17/1), dự kiến UBND TP Huế có cuộc họp để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Hằng, khó có thể thay đổi được điều gì vì hiện tại công trình trùng tu Bia Quốc học Huế đã sắp hoàn thành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước