“Trùng tu Bia Quốc học Huế bị xem nhẹ“

Theo Đào Bích/VOV-Thứ bảy, ngày 14/01/2017 11:48 GMT+7

Bia Quốc Học Huế đang được trùng tu. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

VTV.vn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - họa sĩ Trần Khánh Chương - cho rằng xem nhẹ việc trùng tu Bia Quốc học Huế là một sai lầm.

Câu chuyện "quét vôi làm mới" Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa lắng xuống thì mới đây hình ảnh Bia Quốc học Huế được trùng tu lại khiến dư luận càng thêm băn khoăn.

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên tắc của việc trùng tu là phải giữ lại những gì còn có thể giữ lại được. "Đập đi để xây mới hay thay lại hoàn toàn nước sơn, họa tiết trên các bức tường Bia Quốc học Huế đã làm mất hết giá trị lịch sử của công trình này".

"Cách đây 4 tháng, tôi có đến Huế và chụp lại được hình ảnh Bia Quốc học Huế thời điểm đó. Phải nói là tấm Bình phong rất đẹp. Vì đây là tác phẩm của một  tác giả Việt Nam thiết kế thời kỳ đó cho nên mang đậm phong cách Việt Nam.

Ở nước ngoài người ta cũng trùng tu công trình lịch sử nhưng không ai làm mới hoàn toàn, không cạo hết hoa văn, không sơn lại hoàn toàn như thế".

Tôi đến Ý và thấy cả thành Rome rộng lớn như thế, một viên gạch bị hỏng người ta sẽ kiếm một viên gạch khác, có màu sắc và kích cỡ giống với viên cũ để thay thế. Mỗi viên gạch mới, dù màu sắc có khác đôi chút nhưng người ta vẫn để nguyên để du khách đến thăm sẽ biết được và có sự so sánh.

Ở Nhật Bản, trùng tu những công trình bằng gỗ cổ, hỏng chỗ nào người ta chỉ sửa chỗ đó. Bởi vậy công trình luôn giữ được tối đa vẻ đẹp nguyên bản của nó", họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng quan niệm về việc trùng tu của nhiều cơ quan chức năng và các nhà quản lý đang có nhiều sai lầm.

"Với các công trình cổ, việc giữ nguyên thực trạng là điều rất quan trọng. Việc làm mới Bia Quốc học Huế khiến cho công trình này trở nên lạc lõng với cả quần thể Di tích lịch sử Cố đô Huế", ông nói.

Lý giải về thực trạng trùng tu di tích lịch sử đang gây nhiều tranh cãi, họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng, có hai nguyên nhân.

"Một là trình độ và kiến thức của các nhà "trùng tu học" đang bị hạn chế. Thứ hai là việc làm đơn giá quyết toán tài chính đối với công tác trùng tu khá phức tạp cho nên "nhà quản lý" luôn muốn "làm mới, xây mới" để được quyết toán đơn giản hơn. Điều này xuất phát từ thái độ xem nhẹ vai trò của các công trình mỹ thuật, lịch sử.

Công tác trùng tu cẩn thận rất công phu và khó có thể xác định được hết bao nhiêu tiền. "Ví dụ, xây một con Nghê mới sẽ dễ dàng hơn việc sửa một con Nghê cũ. Sửa lại từng mét vuông bức tường người ta có thể tính ra hết bao nhiêu tiền, còn việc sửa một viên gạch cho đúng như nguyên bản ban đầu thì rất khó. Người sửa nó sẽ phải cất công tìm kiếm, có khi in ra 10 viên gạch mới tìm được 1 viên ưng ý. Như thế là đã mất mấy ngày công. Cấp trên đánh giá: "thay một viên gạch mà hết nhiều tiến thế?", thế là phải làm báo cáo, giải trình, rất mệt!", họa sĩ Chương bày tỏ.

"Cũng giống như việc xây tượng đài, cứ quy ra công dựng tượng đài của các họa sĩ ngang bằng công của thợ xây dựng thì làm sao có được tượng đài đẹp?. Cùng là "đắp đất" đấy nhưng nghệ sĩ "đắp đất" khác với ông thợ cày "đắp đất", Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.

Trước những tranh cãi ồn ào trong dư luận về vấn đề này, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Bia Quốc học Huế được làm mới trên tinh thần "thay đổi" một công trình mỹ thuật đã tồn tại nhiều năm ở Huế. "Đây không phải là di tích lịch sử nên việc trùng tu không được áp dụng theo nguyên tắc trùng tu di tích lịch sử.

Tuy chưa phải là di tích được xếp hạng quốc gia nhưng đây là công trình có giá trị về mỹ thuật và nghệ thuật cao, đã gắn với tiềm thức của người dân Huế nên việc tu sửa cần tranh thủ nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn.

Trước khi trùng tu, đơn vị thi công là Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cũng đã hỏi ý kiến Sở, xin ý kiến của Ủy ban nhân dân Thành phố Huế và đã được phê duyệt. Chủ đầu tư cũng tìm những đơn vị có kinh nghiệm trong việc trùng tu di tích lịch sử văn hóa để làm".

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, Bia Quốc học Huế không phải là di tích lịch sử. Việc làm mới hay xây dựng thuộc thẩm quyền của địa phương là UBND TP Huế. Nó nằm ngoài phạm vi của Cục Di sản", ông Hùng nói.

Tuy vậy, đại diễn Cục di sản tỏ thái độ ủng hộ việc chỉnh trang, bảo dưỡng các công trình mang giá trị lịch sử. Theo nhà quản lý này, đây là việc bình thường. "Nếu không trùng tu, bảo trì, công trình lịch sử nào cũng sẽ bị xuống cấp. Bia Quốc học Huế chưa từng được xếp hạng di tích lịch sử. Tuy nhiên, với người dân Huế, đây là một phần không thể thiếu đối với quần thể di tích lịch sử Huế và trong tâm khảm của những người nơi đây, nó là một chứng tích của con người và vùng đất này.

Bia Quốc học Huế hay còn gọi là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Việc trùng tu công trình kiến trúc này nằm trong chương trình chỉnh trang công viên dọc bờ Nam sông Hương do UBND TP Huế làm chủ đầu tư và do Trung tâm Công viên cây xanh Huế thực hiện với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Trong khi, đơn vị có chuyên môn hàng đầu tại TP này trong lĩnh vực di sản là Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử cố đô Huế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước