NTK Sĩ Hoàng và hành trình cùng Bảo tàng áo dài Việt Nam

Thu Trang-Thứ sáu, ngày 28/02/2014 23:43 GMT+7

Sau 12 năm kiên trì đeo đuổi ý tưởng và thực hiện, họa sĩ, nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng đã chính thức ra mắt Bảo tàng áo dài đầu tiên tại Việt Nam. 

Dốc hết toàn bộ vốn liếng sau bao năm dành dụm vào đó nhưng Sĩ Hoàng tỏ ra rất lạc quan, anh hào hứng: “Kinh doanh trong bảo tàng được gọi là ngành kinh tế nhân văn, tôi đang tham gia vào ngành kinh tế nhân văn đó”.

Áo dài Việt Nam có bề dày hơn 300 năm lịch sử, thích nghi uyển chuyển với từng thời kỳ lịch sử nước ta. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã ấp ủ ý tưởng xây dựng nên Bảo tàng Áo dài từ lâu với tâm ý truyền bá cho thế giới biết hơn về lịch sử áo dài, mong muốn các thế hệ con cháu hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa Việt Nam qua lịch sử áo dài, từ đó có phương án giữ gìn và phát huy hơn nữa.

“Chiếc áo dài Việt Nam vừa là giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị đạo đức. Sở dĩ tôi nhắc đến khía cạnh đạo đức ở đây là vì khi mặc chiếc áo dài, chủ nhân của nó sẽ tự điều chỉnh lời ăn tiếng nói, cử chỉ trong giao tiếp. Còn người đối diện với người mặc chiếc áo dài cũng không thể nào nảy sinh tà ý được”, Sĩ Hoàng đúc kết.

‘ Bảo tàng Áo dài Việt độc nhất này cung cấp cho người xem một cái nhìn xuyên suốt về lịch sử, có nghiên cứu, có thẩm thấu, đồng thời cũng không hiếm chất thơ từ một tạo vật đẹp luôn đi cùng người phụ nữ Việt Nam.

Sĩ Hoàng đã sưu tập hàng nghìn bức ảnh, bức tranh cho Bảo tàng Áo dài Việt, trong đó có những bức tranh hoặc ảnh tư liệu về tranh của những họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Trung đã vẽ người phụ nữ trong chiếc áo dài Việt Nam.

‘ Hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Áo dài hiện nay đều là hiện vật chứ không phải hình ảnh hay mô hình.

Áo dài trưng bày sẽ có tổng cộng 36 bộ. Trong đó 18 bộ thể hiện lịch sử áo dài: Áo dài tứ thân thế kỷ 17, Áo dài năm thân thế kỷ 18, Áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ 19… 18 bộ áo dài còn lại là những áo dài gắn bó với những người phụ nữ Việt Nam lẫy lừng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… như của bà Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh, NSND Trà Giang, Bạch Tuyết…

Bên cạnh những bộ sưu tập áo dài, bảo tàng còn trưng bày khoảng 3.000 hình ảnh phụ nữ Việt trong trang phục truyền thống.

Để khách tham quan cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của hiện vật, áo dài không trưng bày trong tủ kính mà để ở không gian mở. Vì thế, nội thất thiết kế phải bảo đảm một số yêu cầu kỹ thuật, đồng thời cũng có vài yêu cầu đối với khách tham quan như vào bảo tàng phải bỏ giày dép, số lượng khách cũng hạn chế từng đợt vào trong gian trưng bày chính để luôn đảm bảo các quy chuẩn an toàn và bảo quản hiện vật. Và cứ sau 3 tháng lại thay hiện vật mới một lần để bảo tàng không biến thành “bảo tàng chết”.

‘ Đến Bảo tàng Áo dài , khách không chỉ được chiêm ngắm những chiếc áo dài mang tính lịch sử mà còn có thể vẽ, chọn chiếc áo dài mình thích để mặc và chụp ảnh, xem các thợ may tạo ra chiếc áo dài…

NTK Sĩ Hoàng cho biết, những hoạt động mang tính giải trí đi kèm tại đây đủ sức để người ta không ngại vào xem bảo tàng, từ đó hình thành thói quen này và cũng phù hợp để tạo nguồn thu cho việc vận hành bảo tàng.

Áo dài là một sản phẩm văn hóa của người Việt nên cần đặt trong không gian sống của người Việt. Đó cũng là lý do NTK Sĩ Hoàng quyết định đặt bảo tàng tại khu nhà vườn Long Thuận, một nơi khá xa thành phố.

Anh đã mày mò đi khắp Việt Nam, quan sát, học hỏi rồi chắt lọc các phong cách từ nhiều vùng miền của đất nước để tạo nên một không gian Việt Nam thu nhỏ ở đây. Từ thiên nhiên, cây trái, sông ngòi, kênh rạch, ruộng lúa, mương nước đều là thuần khiết thiên nhiên, không có sự can thiệp thay đổi gì so với môi trường hiện tại. Ở đó còn có cả những con cá thòi lòi, hay những con đom đóm…

Sắp tới, khi bảo tàng đã có một lượng khách ổn định, Sĩ Hoàng sẽ tiếp tục đưa nhà hát, được xây dựng trong khuôn viên của bảo tàng, đi vào hoạt động. Ở đó, sẽ biểu diễn những gì chắt lọc nhất về âm nhạc, về múa của các dân tộc thiểu số và của người Kinh. Tất cả các làn điệu được phục hiện một cách nguyên gốc, nguyên mẫu.

“Tôi luôn tâm niệm, mình phải để lại một giá trị nào đó trong những chuỗi giá trị mà mình nhận được từ cuộc đời. Và cái gì đó chính là việc khơi dậy tình yêu đối với văn hóa Việt ở những người trẻ, người nước ngoài thông qua chiếc áo dài. Chúng ta hoàn toàn có thể góp phần đưa tiếng nói của Việt Nam ra thế giới bằng chính văn hóa chứ không phải bằng thứ gì khác để họ nhìn mình bằng sự nể trọng”, Sĩ Hoàng chia sẻ.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước