Ý tưởng BST "Thương yêu Đất Mẹ" là gì, thưa anh?
Tham gia Lễ hội Áo dài lần thứ 6 năm 2019 tại TP.HCM tôi mang đến chương trình bộ sưu tập mang tên "Thương yêu Đất Mẹ ". Có thể trong thời đại toàn cầu hóa này ít ai còn dùng tiếng ru để đưa trẻ nhỏ vào giấc ngủ, nhưng vĩnh viễn còn đó tấm lòng cha mẹ luôn muốn trút hết khát khao bao bọc con thơ. Cũng như thế, tấm Áo Dài luôn hiện diện trong đời sống ta như một nét bản sắc không thể thiếu của văn hóa Việt, tâm hồn Việt.
Tôi và các cộng sự của mình hiểu được rằng: văn hóa mặc áo dài khơi gợi lòng yêu nước tiềm ẩn trong mỗi người. Và tôi cho rằng Áo dài còn, Hồn Việt còn!
Các mẫu áo dài trong bộ sưu tập của anh được thiết kế như thế nào để truyền thông điệp chương trình "Tôi yêu áo dài Việt Nam"?
Chất liệu thực hiện các mẫu này được thực hiện trên chất liệu lụa cotton, lụa tơ tằm Việt Nam, kết hợp cùng kỹ thuật in, thêu tay. Đường nét của các mẫu áo dài thực hiện lối cắt mới kết hợp dây kéo – tay áo liền giúp người sử dụng được thoải mái. Bên cạnh đó vẫn có các mẫu áo dài được thiết kế dựa vào đường nét của áo Tunic.
Thật ra năm 1971 kiểu áo này đã xuất hiện, nhưng tôi thấy kiểu này sẽ phải trở lại vì tính chất của nó mang đến sự thoải mái cho người sử dụng. Nét duyên của phụ nữ Việt cùng văn hóa mặc áo dài được khai thác tối đa trong các thiết kế lần này.
Một trong số nhiều thiết kế trong bộ sưu tập của NTK Tiến Doãn
Trở lại với câu hỏi các mẫu được thiết kế như thế nào để truyền thông điệp chương trình "Tôi yêu áo dài Việt nam", tôi luôn nghĩ đa phần người Việt mà cụ thể là tôi thì chữ Thương bao giờ cũng đặt trước chữ Yêu, vì yêu là cảm xúc còn thương là nghĩa vụ, bổn phận, cảm xúc giữ gìn.
Vì lẽ đó đối với áo dài mình thương yêu thì mình phải hiểu áo dài, hiểu rồi trân quý, trân quý rồi phải tìm cách cho áo dài sống với nhịp sống với thời đại của mình nhưng áo dài vẫn phải là áo dài, vẫn phải nhận ra áo dài Việt Nam không lẫn vào một loại y phục đồng dạng hay tương tự hay gần giống với áo dài. Một đường nét áo dài với nhịp sống mới, có thể đi khắp nơi, mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng, một đường nét áo dài có thể đẹp hơn, phù hợp với nhiều người, nhiều dạng cơ thể khác nhau.
Anh chọn ai làm đại sứ cho BST của mình?
Người thể hiện các mẫu thiết kế trong BST "Thương yêu Đất Mẹ" ngoài các người mẫu nổi tiếng mà BTC mời trước đó tôi có chủ động mời các bạn diễn viên trẻ của sân khấu kịch Minh Nhí như là: Thành Thuận, Quang Vũ, Minh Tú, Minh Dũng, Tú Hân, Bảo Ngọc, Khánh Ly cùng Ngọc Long – Á Quân Duyên Dáng Áo dài 2018, Nhật Trường – Giải 1 – Miro Vàng 2017, Lan Nhi – Quán quân The TV Face 2018.
"Tôi luôn ủng hộ hành trình tìm kiếm một đường nét mới cho áo dài Việt Nam, nhưng vẫn giữ được hồn Việt, tâm hồn Việt trên đường nét mới đó" - NTK Tiến Doãn
Đây là những người trẻ, họ long lanh, dễ thương, nhiều năng lượng. Họ chính là ngọc của tương lai. Nếu hôm nay, ngay bây giờ họ hiểu về áo dài, thương quý áo dài, chắc chắn tương lai tình thương quý áo dài đó tiếp tục được truyền nối một cách vẹn tròn trong âm và sắc. Đó chính là những người truyền cảm hứng, là đại sứ. Và lý do tôi chọn họ là họ tin tôi và chúng tôi cùng thương yêu áo dài Việt.
Là một nhà thiết kế kỳ cựu, bản thân anh có ủng hộ xu hướng cách tân áo dài không?
Lịch sử áo dài Việt Nam không dài, hoặc có thể nói là quá ngắn trong bước phát triển về trang phục của một dân tộc. Để có được dáng vóc, hình hài như hôm nay, áo dài Việt nam cũng trải qua bao lần cải tiến dần. Mặc dù chưa là quốc phục (trên thế giới không có quốc gia nào có quốc phục – chỉ có trang phục truyền thống), nhưng đã có lúc áo dài giữ vai trò độc tôn trong đời sống người Việt, là một trang phục trang trọng cho người phụ nữ.
Bộ sưu tập "Thương yêu Đất Mẹ"
Áo dài là một trang phục truyền thống, để một trang phục truyền thống sống cùng một nhịp sống đương đại là bài bài toán khó, do đó tôi ủng hộ, luôn ủng hộ hành trình tìm kiếm một đường nét mới cho áo dài Việt Nam, nhưng vẫn giữ được hồn Việt, tâm hồn Việt trên đường nét mới đó và vẫn còn nhận ra áo dài.
Nhưng thành thật là tôi không thích sự vay mượn các đường nét rồi đặt lên áo dài. Khi bạn vay mượn bản sắc của người thì bạn sẽ không tự tin khi đối thoại. Vì thế, phải trả lời câu hỏi "Ta là ai? Người là ai?’ thì sẽ tìm được đường nét tân thời cho áo dài .
Anh có kỳ vọng những lễ hội áo dài sẽ góp phần quảng bá áo dài Việt không?
Tôi luôn kỳ vọng vào những hành động cụ thể của từng bàn tay đánh động vào tâm thức của người Việt để tâm hồn Việt được nâng cao, để các giá trị di sản, các giá trị bản sắc được giữ và gìn đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ. Chúng ta đã được tiền nhân trao tặng nhiều món quà lớn về di sản, bản sắc, nếu không biết thương quý, giữ gìn đúng liệu chúng ta có lỗi với tiền nhân không?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!