Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã nhận được sự quan tâm đóng góp của Bộ, ngành, địa phương. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình. Với quy mô và đối tượng thụ hưởng lớn, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể và 186 hoạt động chi tiết. Chương trình được xây dựng nhằm tạo bước chuyển toàn diện trong phát triển văn hóa, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Đầu tư đúng và trúng
Ngày 8/10, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của Chương trình; đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho ý kiến về Chương trình; đồng thời cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết.
Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.
“Đầu tư không dàn trải, phải tập trung nhưng đồng thời phải có cả tính kế tục, kế thừa, đảm bảo thiết chế hay sự nghiệp đó được tồn tại và phát triển lâu dài”.;
GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa hướng đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo. Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến. Hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Đến năm 2035, đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước. Hằng năm có từ 10-15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; có ít nhất 4-6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa được ví như "bầu sữa mẹ" cho các lĩnh vực ngành văn hóa. Nhưng Chương trình chỉ thực sự có hiệu quả khi đảm bảo tính đồng bộ khả thi, đầu tư có trọng tâm trọng điểm và đặc biệt là phải gắn liền với ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách. Các chuyên gia cho rằng nếu Chương trình có thể triển khai được thì cần có cơ chế chặt chẽ về quản lý, khoa học rà soát các phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp, đặc biệt đích đến của chương trình phải có kết quả đo đếm được trên thực tế.
'Các địa phương căn cứ vào nhu cầu của mình để lựa chọn xem ưu tiên đầu tư cái gì và cái gì là thiết thực, cái gì tạo ra đột phá, cái gì để sau. Chúng ta trao quyền cho cơ sở, tránh tư duy bao cấp xin cho'.
PGS.TS Phạm Duy Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Cách đây hơn 10 năm, Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa đã từng được triển khai. Việc đầu tư nguồn lực khi đó đã hồi sinh nhiều di sản, không gian văn hóa cũng như tạo chuyển biến trong đời sống tinh thần của người dân. Những bài học đặt ra trong quá trình ấy sẽ trở nên rất hữu ích cho các cơ quan hữu quan khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới này.
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân tộc, trong giai đoạn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, bài học đắt giá là đầu tư xây mới nhưng phải giữ được những cái cũ, huy động sức dân trong giữ gìn các giá trị văn hóa, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chặt chẽ về quản lý, rà soát phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp, đặc biệt là có sự tham gia tư vấn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa.
Vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh là phát triển nguồn nhân lực, một trong những nội dung thành phần quan trọng được triển khai trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Nhận định nguồn nhân lực nhân lực được đào tạo trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch ngày càng giảm sút, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng cần đánh giá đúng hiện trạng, có dự báo sự biến động về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, thu hút nhân tài…, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả và các quyền liên quan.
Tăng nguồn thu, lấy văn hóa nuôi văn hóa
Thời gian dài, phạm vi rộng, kinh phí lớn nên việc làm sao để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả là yêu cầu rất quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa song song với phát triển kinh tế xã hội. Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng Chương trình là chính sách quan trọng của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng cấp bách của ngành văn hóa. Do vậy, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra các đột phá, thúc đẩy lợi ích kinh tế từ lĩnh vực này, từ đó đóng góp GDP cả nước. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, "lấy văn hóa nuôi văn hóa".
Chia sẻ quan điểm về khái niệm "lấy văn hóa nuôi văn hóa", PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến đa chiều trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn như hiện nay, đây là một ý tưởng rất phù hợp và kịp thời, cho thấy tầm nhìn chiến lược về việc làm cho văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực phát triển kinh tế. "Khái niệm "lấy văn hóa nuôi văn hóa" là việc sử dụng chính các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật để tạo ra nguồn lực nuôi dưỡng, phát triển thêm cho văn hóa. Thay vì chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước hay sự hỗ trợ từ bên ngoài, văn hóa tự tạo ra giá trị kinh tế, từ đó tái đầu tư vào chính nó, đảm bảo sự phát triển bền vững, liên tục và không phụ thuộc", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội - Ảnh: Quốc hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định vai trò của Nhà nước trong mô hình này sẽ có những thay đổi quan trọng, chuyển từ vai trò trực tiếp cung cấp tài chính sang hỗ trợ, định hướng và điều tiết phát triển. "Trước hết, Nhà nước sẽ đóng vai trò tạo hành lang pháp lý và chính sách, hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế văn hóa. Các chính sách thuế ưu đãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hay hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào lĩnh vực văn hóa, sáng tạo sẽ trở nên rất quan trọng" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích tiếp - "Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa và hợp tác công tư (PPP). Thay vì Nhà nước phải gánh vác toàn bộ tài chính cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa, giờ đây các tổ chức tư nhân, cộng đồng sẽ được khuyến khích tham gia một cách chủ động và sáng tạo hơn. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực ngân sách Nhà nước mà còn mang lại sự đa dạng và phong phú về nguồn lực, từ tài chính đến nhân lực".
Một vai trò quan trọng nữa là định hướng chiến lược phát triển. Nhà nước cần đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế văn hóa không chỉ vì mục đích lợi nhuận ngắn hạn mà phải hướng đến sự bền vững và giá trị lâu dài. Các chiến lược về bảo tồn di sản, phát triển công nghiệp văn hóa, hay thúc đẩy sáng tạo cần được xây dựng cụ thể và dài hạn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ đóng vai trò giám sát và điều tiết. Đây là yếu tố cần thiết để đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế hóa văn hóa không làm mất đi giá trị gốc rễ của văn hóa, tránh việc khai thác quá mức di sản văn hóa chỉ để kiếm lời. Nhà nước sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, tránh những hệ quả tiêu cực.
Cùng với đó, Nhà nước cần đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Chúng ta cần những người làm văn hóa có đủ trình độ và kỹ năng để phát triển nền văn hóa theo hướng sáng tạo và bền vững, và đây là một phần quan trọng mà Nhà nước phải đảm bảo.
Khu trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, có nhiều lĩnh vực trong văn hóa có tiềm năng tự nuôi dưỡng và mang lại lợi nhuận để tái đầu tư vào các hoạt động văn hóa khác, như ngành du lịch văn hóa và di sản, ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo bao gồm điện ảnh, âm nhạc, thời trang, xuất bản, và nghệ thuật biểu diễn… Tuy nhiên, đảm bảo đầu tư có trọng tâm trọng điểm và đặc biệt là phải gắn liền với ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách là yêu cầu căn cốt để tạo nên hiệu quả của chương trình. PGS. TS Bùi Hoài Sơn đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên phân bổ đầu tư phát triển hàng đầu như bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành văn hóa, đầu tư vào công nghệ để bảo tồn, quảng bá và phát triển các giá trị văn hóa… Không chỉ vậy, việc không tiếp tục đầu tư vào các công trình văn hóa hoành tráng nếu không thể khai thác hiệu quả sẽ là một bước đi đúng đắn, nhưng cần có những chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo rằng các khu vực khó khăn vẫn nhận được sự hỗ trợ cần thiết cho phát triển hạ tầng văn hóa. Sự cân bằng này không chỉ đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn hóa trong cộng đồng.
Quốc hội sẽ xem xét chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tại kỳ họp thứ 8. Nước ta đang đứng trước một Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có quy mô nguồn lực đầu tư rất lớn. Nếu được thông qua, đây được kỳ vọng sẽ tạo bứt phá để văn hóa được đặt xứng tầm với vị trí trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!