Nohmul có niên đại ít nhất 2.300 năm tuổi và là di chỉ quan trọng nhất ở phía Bắc Belize, gần biên giới Mexico.
Phá hoại vì thiếu hiểu biết?
Jaime Awe, Viện trưởng Viện Khảo cổ Belize, cho biết các vụ phá hoại đã tiếp tục xảy ra tại Nohmul hồi cuối tuần qua. “Đây là một hành động không thể tin nổi, bởi sự thiếu hiểu biết và cả sự vô tình... Người ta đã lấy đá của kim tự tháp để làm đường. Thật chẳng khác nào ai đó đấm vào bụng anh, thật quá đỗi khủng khiếp” - Awe nói.
Kim tự tháp Nohmul tọa lạc giữa một cánh đồng mía, thuộc quyền sở hữu tư nhân. Nó đã mất hẳn những sườn đá vốn vẫn thường thấy ở các kim tự tháp được tu bổ hoặc bảo tồn tốt hơn.
Awe nói rằng sự phá hoại là không thể chấp nhận được. Theo ông, các công ty xây dựng không thể nào nhầm lẫn kim tự tháp Nohmul, cao khoảng 30m, với một quả đồi tự nhiên, bởi công trình này rất nổi tiếng. “Họ đều biết rằng đây là một công trình cổ. Hành động của họ thể hiện sự lười biếng” – Awe phẫn nộ cho biết.
Kim tự tháp Maya ở di chỉ Nohmud (Belize) chỉ còn trơ lại lõi sau khi các sườn của công trình này đã bị máy ủi lấy đá làm đường.
Nhiều bức ảnh công bố trên báo chí cho thấy, máy ủi đã cào gần hết các sườn đá của kim tự tháp, chỉ để lại phần lõi. “Người Maya cổ đại đã dày công xây dựng lên những công trình này. Họ chẳng dùng bất cứ thứ gì ngoài các dụng cụ làm từ đá và sức người” – Awe cho biết.
“Giờ đây, chúng ta có thiết bị hiện đại hơn, có thể khai thác mỏ ở bất cứ nơi nào. Nhưng công ty xây dựng kia lại không hề đếm xỉa đến việc bảo vệ và đã phá hủy hoàn toàn kim tự tháp. Tại sao những con người này không tới khai thác đá ở nơi nào đó không mang ý nghĩa văn hóa?” – ông bức xúc nói.
Cảnh sát Belize cho biết họ đang tiến hành cuộc điều tra và sẽ kết tội những kẻ phá hủy di sản văn hóa.
Được biết, quần thể Nohmud tọa lạc trên một khu đất tư nhân. Nhưng theo luật Belize, các tàn tích thời tiền Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha được sự bảo vệ của chính quyền, không cần biết chúng nằm ở vùng đất với quyền sở hữu ra sao.
Không phải là lần đầu tiên
Đây không phải là lần đầu tiên hành động phá hoại kiểu này xảy ra ở Belize, đất nước Trung Mỹ sở hữu hàng trăm tàn tích thời Maya, song có rất ít công trình lớn như Nohmul.
Norman Hammond, giáo sư danh dự về khảo cổ tại trường Đại học Boston, người từng tiến hành nhiều dự án nghiên cứu về Belize trong những năm 1980, đã viết thư điện tử lên án vụ phá hoại. Ông cho rằng “việc phá kim tự tháp Maya để làm đường là vấn đề mang tính địa phương ở Belize”.
Ông chỉ ra rằng toàn bộ trung tâm San Estevan đã biến mất, cả 2 kim tự tháp lớn tại Louisville, nhiều công trình khác ở Nohmul, nhiều di chỉ nhỏ hơn cũng bị phá hủy. Theo ông, vụ phá hoại kim tự tháp Nohmul là lớn nhất.
Arlen Chase, Trưởng khoa Nhân loại học, trường Đại học Central Florida, đánh giá: “Các nhà khảo cổ luôn lúng túng khi những chuyện như thế xảy ra. Thật không may, tình trạng phá hủy công trình cổ ở Belize đã trở nên rất phổ biến” – Chase nói.
Belize không phải là đất nước duy nhất xảy ra hoạt động phá hoại công trình Maya cổ đại. Người Maya cổ đại từng sống ở khắp phía Đông Nam Mexico, Guatemala, Honduras và Belize. Những nơi này cũng có các vụ việc tương tự Belize.
“Tôi nghĩ mình không hề ngoa ngoắt khi nói rằng ngày nào cũng có một công trình Maya bị phá hủy để phục vụ cho các dự án xây dựng ở một trong những nước mà người Maya từng sống. Đáng buồn là nhiều người lại không coi việc phá hủy di sản của nhân loại là hành động nghiêm trọng. Theo tôi, cách duy nhất để chấm dứt hành động này là quy thành tội và bỏ tù những kẻ vi phạm” - Francisco Estrada-Belli, giáo sư Khoa Nhân loại học thuộc trường Đại học Tulane, cho biết.
Belize là một quốc gia nằm ở bờ biển phía Đông của khu vực Trung Mỹ. Biên giới phía Bắc nước này giáp Mexico, phía Tây và Nam giáp Guatemala, phía Đông giáp biển Caribbean. Belize nổi tiếng vì có nhiều bãi biển đẹp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, các điểm lặn, câu cá và phế tích thời Maya. |
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.