Nở rộ các nội dung phim chiếu mạng, da dạng về thời lượng, phong phú nội dung, bên cạnh những tác phẩm tích cực, nội dung chỉn chu, bài bản, chất lượng thì càng ngày càng có nhiều clip chứa nội dung phản cảm, tiêu cực, nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Mới đây, WeAreSocial đã "trình làng" báo cáo tình hình về digital toàn cầu trong nửa năm 2023 vừa qua. Trong đó, những số liệu thống kê về thị trường Việt Nam ghi nhận 77,93 triệu người sử dụng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số, tăng thêm 5,3 triệu người so với năm 2022. Theo khảo sát, trong các mục đích chính khi sử dụng Internet của người dùng Việt Nam trong năm 2023 có tới 55.4% để xem video, phim hoặc các chương trình truyền hình. Thế nhưng, các nội dung video, phim ngắn trên internet hiện nay lại đang mang tới nhiều lo ngại.
Tràn lan phim chiếu mạng với nội dung phản cảm
Bản chất, phim ngắn/ chương trình chiếu mạng (web drama) không xấu, nhưng phim được sản xuất chỉ với mục đích duy nhất là câu khách mà bất chấp sử dụng cả nội dung phản cảm mới là điều đáng bàn.
Để câu kéo người xem, các nội dung như: đánh ghen, ngoại tình, sugar baby - sugar daddy, loạn luân, giang hồ, bạo lực học đường… đươc khai thác chi tiết. Với người xem, việc tiếp xúc liên tục với những nội dung này sẽ tạo hố đen nhận thức, thậm chí có thể lái con người đến những hành vi lệch lạc, nhất là với đối tượng thanh thiếu niên, trẻ nhỏ.
Chẳng khác gì những cô bé tuổi teen đọc tiểu thuyết ngôn tình rồi cứ chờ đợi sự xuất hiện của một soái ca mang theo những điều lãng mạn. Việc xem những nội dung phim phản cảm trên mạng xã hội sẽ làm nhiều người trẻ có xu hướng coi những điều trong phim đang diễn ra ngoài đời sống thực, họ sẽ cho rằng xã hội chỉ toàn những điều xấu xa.
Dở khóc, dở cười những ảnh hưởng của webdrama độc hại
Đánh, đấm bạo lực, ngôn từ tục tĩu, ăn mặc hở hang, webdrama nội dung phản cảm đang trở thành những nội dung thường xuyên xuất hiện trên bảng tin của không ít người khi sử dụng mạng xã hội.
Đa dạng về thể loại, hình thức, xuất hiện trên hầu hết mọi nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay, chỉ cần lướt qua vài lần những nội dung này lại xuất hiện.
Đang trong độ tuổi học sinh nhưng em Nguyễn Yến Nhi (Hà Nội) lại thường xuyên bắt gặp những nội dung không phù hợp với lứa tuổi của mình. "Khi mà lướt facebook thấy những nội dung như thế, em không cảm thấy thoải mái. Những nội dung kiểu gái ngành, ngoại tình. Nó quá phản cảm và không phù hợp với chúng em" - Yến Nhi chia sẻ.
Tò mò nên xem thử, đó là tâm lý chung của đại đa số người dùng, tuy nhiên những nội dung này lại đang tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực khó lường đến người dùng.
Sinh viên Nguyễn Hà Xuyên, Hà Nội chia sẻ: "Mình cũng bắt gặp cháu mình hay những bạn bé hơn sau khi xem những phim như vậy thì đã bắt chước những câu nói không hay trong đó. Mình phản đối những nội dung như vậy, đặc biệt khi nó không gắn mác hạn chế độ tuổi, ai cũng có thể xem".
Việc không gắn mác giới hạn của những nội dung này cùng với những thuật toán đề xuất của các mạng xã hội đang khiến cho những webdrama phản cảm có cơ hội đến với nhiều người dùng hơn. Biết là xấu nhưng rõ ràng việc tạo Báo cáo, ẩn trang, hay bỏ theo dõi là chưa đủ.
Cả thế giới được xem là đã thu nhỏ trong một chiếc điện thoại, nhưng điều quan trọng là cần nhận ra rằng: những gì hiện lên trong chiếc điện thoại không phải là cả thế giới. Muốn phân biệt được ranh giới này, có lẽ đầu tiên cần hiểu rõ vì sao những nội dung không mong muốn kia lại được phân phối tới tài khoản mạng xã hội của mình. BTV Sơn Lâm trò chuyện với chuyên gia truyền thống số - Doãn Kỷ phần nào giải đáp câu hỏi này và gợi ý cách giải quyết.
BTV Sơn Lâm trò chuyện với chuyên gia truyền thống số - Doãn Kỷ
Kiểm soát nội dung trên phim chiếu mạng
Tháng 4 năm 2023, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã quyết định thành lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng gồm 10 thành viên nhằm xác định, ngăn chặn và xử lý đối với những nội dung vi phạm.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: "Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ sẽ làm công tác kiểm tra và hậu kiểm các phim này nếu nó vi phạm luật điện ảnh sẽ bị xử lý theo quy định của luật điện ảnh".
Như vậy, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có trách nhiệm đưa ra hình thức xử lý đối với những phim không thực hiện phân loại dán nhãn độ tuổi. Phim có nội dung hình ảnh, âm thanh kích động bạo lực, dâm ô, truỵ lạc, loạn luân.
Ông Lê Thanh Liêm - Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch - cho biết: "Các doanh nghiệp phổ biến phim có vi phạm điều cấm sẽ bị xử lý với mức phạt cao và các hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, buộc gỡ bỏ phim vi phạm".
Trên thực tế, lượng phim chiếu mạng hiện nay rất lớn, việc xử lý của tổ công tác phản ứng nhanh cũng còn nhiều hạn chế và chưa thể xử lý vấn đề này một cách triệt để. Ngoài ra, nhiều đơn vị sản xuất phim ngắn còn cố tình lách luật trên không gian mạng. Chính vì thế cũng cần có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục PT-TH và Thông tin điện tử cho biết: "Cần phải có quy định rõ ràng về quy định sản xuất, phân phối sau đó mới đến vi phạm về nội dung. Hai Bộ có cơ chế hợp tác rõ ràng mà chúng tôi đang xây dựng sẽ rất hiệu quả trong vấn đề này".
Để hạn chế sự ảnh hưởng của phim chiếu mạng độc hại, cũng như những sản phẩm văn hóa phản cảm, cần có sự vào cuộc của các bộ ban ngành, đồng thời khuyến khích các sản phẩm sáng tạo có giá trị, nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật cho công chúng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!