Quảng bá du lịch qua điện ảnh: Không để nguồn lực mãi chỉ là tiềm năng

PV/Nguồn: Ban Văn nghệ-Thứ năm, ngày 30/11/2023 13:12 GMT+7

VTV.vn - Nếu không có hành động cụ thể, những nguồn tài nguyên quảng bá du lịch qua điện ảnh mãi vẫn chỉ là tiềm năng, tiềm ẩn.

Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là điều không mới trên thế giới. Sự kết hợp này đã mang lại những lợi nhuận thiết thực từ việc chiếu phim, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa của quốc gia. Nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy, Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng trong việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, bởi nước ta có nhiều cảnh đẹp từ Bắc và Nam, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc khắp các vùng miền để làm bối cảnh phim. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhiều tiềm năng song việc khai thác vẫn đang ở những bước đầu.

Cần làm gì để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch thông qua các tác phẩm điện ảnh? Đây là chủ đề được hai khác mời - TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam và luật sư Phan Cẩm Tú, Đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam - chia sẻ trong chương trình Không gian văn hóa nghệ thuật số mới nhất.

Quảng bá du lịch qua điện ảnh: Không để nguồn lực mãi chỉ là tiềm năng - Ảnh 1.

Luật sư Phan Cẩm Tú (trái) và TS. Ngô Phương Lan (phải)

Chia sẻ về chủ đề của chương trình, TS. Ngô Phương Lan cho biết trên thế giới, có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tận dụng điện ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và kích cầu du lịch. Những ngành dịch vụ liên quan cũng phát triển rất tốt. Trước đây, ngành du lịch Việt Nam cũng từng được hưởng lợi từ các bộ phim của Pháp quay tại Việt Nam vào đầu những năm 1990, cách đây hơn 30 năm. Trong hơn 10 năm qua, càng ngày các nhà làm phim càng quan tâm đến việc làm sao để thông qua điện ảnh phát triển du lịch.

"Một yếu tố rất quan trọng trước tiên là phải có những tác phẩm điện ảnh thành công về nghệ thuật, thông điệp, ý tưởng, hình ảnh… từ đó mới có sức lan tỏa. Một ví dụ như bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Khởi đầu, các nhà làm phim không nghĩ rằng làm bộ phim này để quảng bá du lịch Phú Yên. Nhưng khi bộ phim thành công, khách du lịch đến Phú Yên tăng lên nhiều lần. Chính vì vậy nó thành công ở cả khía cạnh điện ảnh lẫn du lịch", TS. Ngô Phương Lan cho biết.

Quảng bá du lịch qua điện ảnh: Không để nguồn lực mãi chỉ là tiềm năng - Ảnh 3.

Sau thành công của các tác phẩm điện ảnh, nhiều nơi từng là bối cảnh trong phim trở thành điểm thăm quan thu hút đông đảo du khách, ví dụ như Phú Yên sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Việt Nam có tài sản khổng lồ bối cảnh quay đẹp nhưng lại chưa thể làm giàu từ khối tài sản này.

"Thông thường với các nhà làm phim, để làm được một bộ phim thì ngoài quan tâm ở nơi này có nhiều cảnh đẹp để quay, họ quan tâm việc đến quay phim ở đó có tiết kiệm tiền không, có thuận lợi cho họ không. Khi nhìn vào hệ thống hỗ trợ hoạt động làm phim ở Việt Nam, chưa thực sự được như mong mỏi của các nhà làm phim. Ví dụ như ở các địa phương, khi nói về Sở Văn hóa thì họ rất thiết tha. Tuy nhiên, làm phim không chỉ liên quan tới văn hóa mà còn liên quan tới cầu đường, công viên, công chúng… Thực sự, nếu đưa một đoàn làm phim đến một địa phương vùng sâu vùng xa một chút thì ngay người trong nước còn cảm thấy khó khăn chứ chưa nói đến nước ngoài. Vì vậy, câu chuyện minh bạch thông tin rõ ràng, để mọi người có thể nhìn được và sử dụng được, vẫn còn thiếu", luật sự Phan Cẩm Tú cho hay.

Luật sư Phan Cẩm Tú nói tiếp: "Ở các nước điện ảnh đã phát triển điện ảnh, họ tư duy đơn giản. Dù có chiến lược gì hay chính sách nào thì cũng là làm thế nào để đứng từ góc nhìn của nhà làm phim, để câu chuyện các nhà làm phim thuận lợi nhất khi làm phim. Họ đưa ra thông tin cần thiết như các nhà làm phim cần làm việc với ai, khí hậu thế nào, liên hệ với tổ chức trong khu vực thì cần làm gì…, đồng thời hỗ trợ về tài chính. Thậm chí, các địa phương khác nhau còn ganh đua để nói rằng chúng tôi có chính sách hỗ trợ tài chính tốt hơn. Có lẽ, như vậy cũng khiến mình nhìn được chiến lược của họ là gì".

Một thực tế là phần lớn những bộ phim nổi tiếng đã góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam đến với du khách quốc tế là do các nhà sản xuất nước ngoài thực hiện. Còn những bộ phim thuần Việt hầu như chưa tạo được cơn sốt như vậy.

Những bộ phim nổi tiếng đã góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam đến với du khách quốc tế là do các nhà sản xuất nước ngoài thực hiện. Đây là một thực tế tồn tại nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, mặc dù cùng chịu sự điều hành, quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng giữa hai ngành du lịch và điện ảnh chưa thực sự kết hợp hiệu quả. Những thước phim đẹp về các vùng miền xuất hiện trong các bộ phim phần lớn mới chỉ dừng lại là bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung chưa hoàn toàn được chủ động đưa vào bối cảnh cho mục đích quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, sự thiếu sự phối hợp giữa hai ngành trong thời gian dài đã mang đến cho các nhà làm phim những khó khăn nhất định.

"Chúng ta từng ở trong một hệ thống sản xuất phim bao cấp rất dài, rất lâu, quen với việc tất cả các dự án đều được thực hiện với sự bảo trợ của Nhà nước, cũng như khi đến địa phương nào đó sẽ nhận được sự bảo trợ từ địa phương như một nhiệm vụ chính trị của họ. Đến giờ, chúng ta đã thấy kể cả trong hoạt động văn hóa cũng như kinh tế đều phải có lợi từ hai phía. Nó dẫn đến một quy trình quan hệ", biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.

Đồng quan điểm với biên kịch Trịnh Thanh Nhã, bà Ngô Phương Lan cho biết thêm: "Nguyên nhân chính là trong nhiều chục năm, điện ảnh Việt Nam là bao cấp từ sản xuất đến phát hành. Các nhà làm phim, các địa phương đều chưa quan tâm đến thị trường, đến việc quảng bá du lịch trong điện ảnh. Chính vị vậy, khi điện ảnh Việt Nam xác lập một thị trường thì có sự tham gia tích cực của khối điện ảnh tư nhân. Các bộ phim đến với khán giả nhiều nhất là những bộ phim có doanh thu cao do tư nhân sản xuất. Từ đó, chúng ta mới việc quan tâm từ Nhà nước, địa phương, các nhà làm phim là chưa đầy đủ. Dần dần, sự liên kết giữa điện ảnh và du lịch mạnh hơn, tìm ra những giải pháp trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, phát triển du lịch".

Nhằm khắc phục những bất cập và thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa du lịch và điện ảnh, Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam đã xây dựng Bộ Chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI) dựa trên 5 tiêu chí: hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ thực địa, hỗ trợ thủ tục pháp lý, hạ tầng sẵn có. Phú Yên là địa phương đầu tiên thí điểm áp dụng Bộ Chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI. Cùng với Phú Yên, 9 tỉnh thành trên cả nước đã hưởng ứng tham gia, tự giới thiệu và đánh giá mức độ sẵn sàng cho các đoàn làm phim đến địa phương mình.

Bộ Chỉ số được xem như lời mời các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế để họ đưa ra quyết định chọn quay phim trên các vùng đất của Việt Nam. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra sự cạnh tranh thu hút đoàn làm phim giữa các địa phương trong nước.

"Bộ chỉ số mang đến sự minh bạch trong thông tin. Nó tìm một sự tự nguyện và cam kết của các địa phương, như vậy các nhà làm phim Việt Nam và quốc tế sẽ rất yên tâm đến, miễn là có bối cảnh phù hợp", TS. Ngô Phương Lan cho biết.

Quảng bá du lịch qua điện ảnh: Không để nguồn lực mãi chỉ là tiềm năng - Ảnh 7.

Hội thảo quốc tế "Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên" trong khuôn khổ chương trình "Điện ảnh với Phú Yên" do UBND tỉnh Phú Yên và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp tổ chức.

Dù là quốc gia có cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đa dạng nhưng so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến sản xuất. Việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn dùng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là bởi chưa phát triển mạnh mẽ nguồn lực và chiến lược quảng bá đất nước đến các đoàn làm phim quốc tế. Do đó, ít nhà làm phim quốc tế biết đến tiềm năng và cơ hội tại Việt Nam.

Cùng với đó, các quy định pháp lý khá chồng chéo, mất nhiều thời gian gây tăng chi phí, làm chậm tiến độ của các dự án sản xuất phim. Vì vậy, ngoài việc xây dựng Bộ Chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI, Việt Nam còn cần thực hiện nhiều giải pháp liên quan để đẩy mạnh hợp tác gắn điện ảnh với quảng bá du lịch, như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho đoàn làm phim, chính quyền địa phương kết hợp đoàn làm phim truyền thông cho địa điểm thu hút du khách…

"Nhiều lần chúng tôi đã khẳng định nền điện ảnh Việt Nam cũng may mắn vì là ngành nghệ thuật duy nhất có luật. Tuy nhiên, khi có hành lang pháp lý như vậy, việc có cơ chế chính sách, chờ Nghị định và Thông tư để thực hiện thì rất lâu. Vì vậy, trong khi hy vọng chờ đợi một chính sách lớn từ Nhà nước, có nghĩa là ưu đãi về thuế, thì chúng tôi cũng cố gắng đưa ra các giải pháp thực tế", TS. Ngô Phương Lan cho biết.

Cùng theo dõi những phân tích chi tiết xung quanh chủ đề quảng bá, phát triển du lịch thông qua điện ảnh dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước