Ngày 7/11, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam ra mắt Bộ truyện tranh “Đi cùng ánh sáng”, nhằm tuyên truyền về chứng tự kỉ.
Đây là bộ truyện tranh của tác giả Keiko Tobe, kể về cuộc sống hàng ngày của một gia đình Nhật Bản có con tự kỉ. Ngay sau khi ra mắt tại Nhật Bản, bộ truyện tranh đã tạo nên cơn chấn động trong nhận thức cũng như tình cảm của cộng đồng xã hội đối với chứng tự kỉ và người tự kỉ. “Đi cùng ánh sáng” mang về cho Keiko Tobe Giải Xuất sắc tại Liên hoan Mỹ thuật Truyền thông Nhật Bản.
Bộ truyện tranh “Đi cùng ánh sáng” gồm 15 tập sẽ được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành trên toàn quốc lần lượt làm 3 đợt, mỗi đợt 5 tập.
Không chỉ tái hiện chân thực cuộc sống của gia đình có người tự kỉ, Bộ truyện tranh “Đi cùng ánh sáng” còn lồng ghép nhuần nhuyễn kiến thức về tự kỉ, phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỉ… Mỗi lời thoại, mỗi ô tranh đều chứa đựng lời cổ vũ, những nỗ lực, an ủi, sẻ chia những băn khoăn lo lắng và đem tới hi vọng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, đại diện mạng lưới "Người tự kỉ Việt Nam" tham gia hiệu đính cuốn sách chia sẻ, bộ truyện gồm 5 tập sách này rất tốt cho việc tuyên truyền về chứng tự kỉ đến cộng đồng. Cứ một người đọc thì một người sẽ hiểu về tự kỉ, cảm thông đối với người tự kỉ và yêu thương người tự kỉ hơn:
"Bộ truyện tranh này kể về đời sống của một gia đình trẻ tự kỉ ở Nhật, thứ nhất các cha mẹ ở Việt Nam tìm được sự cảm thông. Còn đối với cộng đồng, tôi mong rằng ngay cả trong gia đình, họ hàng, hay là các cháu học sinh ở trường học hay các bạn trẻ, mọi người trong xã hội hãy quan tâm và đọc cuốn sách này. Sau khi đọc cuốn sách này thì sẽ hiểu hơn về cuộc sống của những gia đình trẻ tự kỉ và khi mà hiểu rồi sẽ cảm thông và giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn" - bà Nguyễn Thị Minh Hiếu cho biết.
Bà Nguyễn Giang Linh, biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng, tham gia biên tập Bộ sách “Đi cùng ánh sáng” khẳng định, đây là một trong những bộ sách gây xúc động mạnh: "Đại đa số chúng ta đi theo con đường chung cho tất cả mọi người. Nhưng lúc nào cũng có thiểu số là những người đau ốm, bệnh tật hoặc khác biệt với mọi người. Nhưng thử nghĩ lại một chút xem họ là người yếu thế hơn chúng ta rất nhiều, nên mở ra cho họ một thêm vòng tay yêu thương, thêm một vòng tay hiểu biết, thêm một chút sự chia sẻ thì chúng ta giúp cho cuộc sống họ dễ chịu, tươi sáng hơn rất nhiều".