"Sẽ có thêm giải cho tác phẩm viết về Hà Nội…"

Theo Thi Thi (HNM)-Thứ sáu, ngày 04/04/2014 19:00 GMT+7

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên

Năm 2013 là một năm hoạt động khá sôi nổi của Hội Nhà văn Hà Nội. Tiếp tục tinh thần gắn kết hội viên và thúc đẩy sáng tác, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã có chia sẻ về những dự định của Hội trong năm 2014.

Thưa ông, một trong những hoạt động để lại ấn tượng của Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) trong năm qua phải chăng là các buổi nói chuyện định kỳ vào ngày 10 hàng tháng?

Có lẽ là vậy. Từ năm 2013, HNVHN mở các cuộc sinh hoạt chuyên đề định kỳ vào ngày 10 hàng tháng, bất luận ngày đó rơi vào ngày thường hay ngày nghỉ. Những cuộc sinh hoạt chuyên đề này nhằm cung cấp thông tin cập nhật về mọi lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, giáo dục, văn hóa, văn học... Diễn giả là những người có uy tín.

Năm qua, trong 11 tháng (trừ tháng 2 nghỉ Tết Quý Tỵ), HNVHN đã tổ chức được 11 buổi nói chuyện chuyên đề như vậy, bắt đầu là cuộc nói chuyện về nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc), người đã được trao Giải Nobel văn học năm 2012, kết thúc là buổi nói chuyện của nhà văn Thụy Điển Ake Edwardson.

Đến nay, chương trình sinh hoạt chuyên đề hằng tháng của HNVHN đã trở thành điểm hẹn quen thuộc, được hội viên chờ đợi. Năm 2014, hoạt động này vẫn tiếp tục được tổ chức. Cụ thể, trong tháng 1 là câu chuyện giáo dục của nhà giáo Văn Như Cương, tháng 2 là câu chuyện về hát xẩm Hà thành xưa và nay...

Theo ông, sinh hoạt này, cũng như nhiều hội thảo chuyên đề khác, có tác động như thế nào tới tình cảm, sự gắn bó của hội viên và hoạt động sáng tác của nhà văn Thủ đô?

Sinh hoạt chuyên đề có tác dụng thiết thực, hội viên có dịp gặp gỡ, giao lưu với nhau thường xuyên. Mà tính chất của hội là vậy, phải tạo điều kiện cho anh chị em đến với nhau, cùng nhau chia sẻ, bàn luận chuyện văn chương, nghệ thuật. Từ những cuộc sinh hoạt chuyên đề đó, cùng với các cuộc hội thảo, tọa đàm, các chuyến đi thực tế, hiểu biết cuộc sống và cảm hứng sáng tạo của hội viên được nhân lên. Tôi rất vui khi thấy hội viên luôn háo hức, nhiệt tình với những hoạt động mà hội đưa ra.

Ông là người đưa ra ý tưởng và hình như vẫn đang "nợ" các nhà văn trẻ của thành phố việc tổ chức Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ II?

Kế hoạch tổ chức hội nghị dành cho người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ II (lần đầu là vào năm 1993) đã được nêu ra trong nghị quyết của nhiệm kỳ này, đã được hoạch định tổ chức vào năm 2013, kinh phí đã được thành phố cấp nhưng chưa tổ chức được, đó là khuyết điểm của Ban chấp hành hội mà người chịu trách nhiệm chính là tôi.

Trong cuộc họp tổng kết năm 2013 của HNVHN, tôi đã thẳng thắn nhận lỗi này trước các hội viên. Nguyên nhân của việc chậm trễ là công tác chuẩn bị còn nhiều cập rập, cần thêm thời gian để tập hợp đầy đủ số người viết văn trẻ hiện đang sống và hoạt động trên địa bàn Thủ đô, để kiến tạo được một nội dung hoạt động phong phú, đúng tính chất văn trẻ, bảo đảm hội nghị đạt được mục tiêu chính là thúc đẩy tinh thần phấn khởi sáng tạo của các cây bút trẻ Hà Nội. HNVHN quyết tâm tổ chức hội nghị này vào năm 2015.

Nhà văn Chu Lai từng nói rằng, cho dù có đặt một gói tiền trước mặt thì cũng không có nghĩa là văn nghệ sĩ sẽ có tác phẩm đỉnh cao. Nhưng nếu văn nghệ sĩ đã có tác phẩm chất lượng thì họ rất cần sự hỗ trợ kịp thời về vật chất. Là người đứng đầu HNVHN, ông nghĩ gì về điều này?

Sáng tạo văn học nghệ thuật là nhu cầu thôi thúc nội tại của mỗi người cầm bút. Khi sáng tác, họ luôn viết với tất cả niềm say mê, thể hiện hết mình với hy vọng tác phẩm mình viết ra đạt chất lượng cao nhất. Sự hỗ trợ vật chất là cái đến sau, có ý nghĩa quan trọng nhưng không mang tính quyết định.

Song, Nhà nước, hội đoàn cần tìm cách giúp đỡ nhà văn trong khả năng của mình. Thú thực, tôi rất muốn HNVHN có được một khoản kinh phí nhằm hỗ trợ hội viên, nhất là những người cao tuổi, giúp họ yên tâm sáng tác. Hội đã có Ban hỗ trợ sáng tác với mục đích gây quỹ nhưng chưa hoạt động được gì.

"Ba trong một" là phẩm chất đặc biệt mà ông luôn nhấn mạnh khi nhắc đến HNVHN. Vậy tính chất Thủ đô, tính chất Hà Nội sẽ được hội chú trọng khai thác, phát huy thế nào trong năm 2014?

Tôi luôn nhấn mạnh tính chất "ba trong một" của HNVHN. Đây là một hội địa phương, nhưng địa phương này là Hà Nội - Thủ đô, nên mọi hoạt động của HNVHN phải mang tầm Thủ đô, có tính phong trào nhưng phải hướng đến đỉnh cao... Thời gian qua, tính chất "ba trong một" của HNVHN đã được thể hiện rõ rệt trong việc kết nạp hội viên, tổ chức các cuộc hội thảo về các nhà văn ở Hà Nội, những người có nhiều gắn bó với mảnh đất này và nhất là trong việc trao giải thưởng hằng năm.

Giải thưởng của HNVHN được dư luận đánh giá cao. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa điều này. Nói riêng về giải thưởng hàng năm của hội, ngoài các hạng mục đã định hình, có thể chúng tôi sẽ tính đến việc trao thêm một giải cho những tác phẩm văn học hay viết về Hà Nội của các tác giả trong toàn quốc. Nếu giải này được xác lập và trao được cho những tác phẩm xứng đáng thì tôi tin uy tín, vị thế của HNVHN sẽ ngày càng được nâng cao.

Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước