Chương trình là một cơ hội hiếm hoi để khán giả yêu nghệ thuật cải lương có dịp thưởng thức lại trọn vẹn hai vở tuồng danh tiếng, được nghe và ngắm nhìn những tài danh sân khấu cải lương năm xưa như: Thanh Sang, Thanh Tú, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Lệ Thủy, Phượng Liên, Phương Hồng Thủy…và các khách mời: NSUT Thành Lộc, Đàm Vĩnh Hưng.
Các nghệ sĩ đã nhận lời tham gia chương trình rất nhiệt tình, chẳng đắn đo chuyện thù lao ít nhiều. Vì trên hết, đó chính là tình cảm sâu sắc giới nghệ sĩ dành cho đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga; sự trân trọng, yêu quý bà bầu Thơ; yêu mến và tiếc thương nữ nghệ sĩ tài danh bạc mệnh - NSƯT Thanh Nga.
Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa là hai vở đã thành dấu ấn không phai trong lòng khán giả suốt mấy mươi năm qua. Lựa chọn hình thức phục dựng lại theo nguyên bản là một cách làm hay nhằm khơi gợi lại những kỷ niệm, ký ức đã qua, cũng như giới thiệu cho giới trẻ ngày nay biết "bộ mặt' của cải lương ngày xưa, biết để yêu thương, trân trọng.
NSUT Thanh Nga và mẹ ( Bà bầu Thơ)
Cảnh trí được NSND Phan Phan - họa sĩ có trái tim bên phải, từng theo đoàn từ lúc trẻ, nay đã hơn 80 tuổi - thiết kế lại như xưa, tờ rơi quảng cáo chương trình cũng in ấn và ghi lời lẽ của “hồi ấy”… Phần âm nhạc do nhạc sĩ Thái An phụ trách, sử dụng các loại nhạc cụ đàn tranh, sáo, cò, trống thùng, kèn lá… Trước giờ diễn và trong những phút giải lao, dàn nhạc sẽ biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ở đại sảnh Nhà hát Bến Thành sẽ có triển lãm những hình ảnh và kỷ vật của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, tái hiện một góc hậu trường sân khấu…
Cố NSƯT Thanh Nga (1942-1978) là một nghệ sĩ cải lương tài sắc nổi tiếng của Việt Nam. Bà còn được mệnh danh là "Nữ hoàng sân khấu" của miền Nam Việt Nam thời điểm lúc bấy giờ. NSUT Thanh Nga từng làm biết bao người ngậm ngùi, bâng khuâng, xao xuyến, dù không còn nữa nhưng những vai diễn của bà vẫn rạng ngời truyền lại cho đời sau.
Bà Bầu Thơ (tên thật Nguyễn Thị Thơ), thân mẫu của cố NSƯT Thanh Nga và NSUT Bảo Quốc, là một nhà cầm quân tài giỏi và đắc nhân tâm nhất trong số những bầu gánh cải lương thời đó. Bà lập gánh hát Thanh Minh từ đầu năm 1951, sau này đổi bảng hiệu thành Thanh Minh - Thanh Nga từ năm 1960 và lèo lái gánh hát đến năm 1972 mới giải tán. Bà làm bầu gánh hát liên tục trong 23 năm, từ trước đến nay trong lịch sử cải lương ở miền Nam, chưa hề có một người nào làm bầu gánh bền bĩ và thành công như bà.
Đoàn Thanh Minh -Thanh Nga dưới tài điều khiển của bà bầu Thơ, là gánh hát mở đường và dẫn đầu trong việc trình diễn các vở diễn lịch sử, dã sử Việt Nam và tuồng xã hội. Có thể kể ra hàng trăm vở xã hội và hơn ba mươi tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam. Trước đó thì sân khấu cải lương có rầt ít tuồng xã hội, trong những thập niên 40-50, có độ mươi tuồng, còn ngoài ra là tuồng Tàu, tuồng Tây phương, tuồng Kiếm hiệp La Mã, tuồng Chưởng, tuồng chiến tranh “cắc bùm” (bắn súng, có tiếng nổ). Bà Thơ và đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của sân khấu cải lương thời đó, đưa sân khấu cải lương trở về với nội dung văn hóa dân tộc, dàn dựng và trình diễn nhiều vở thuần chất Việt. Sau 1975 bà tiếp tục quản lý đoàn trình diễn nhiều kịch bản văn học mang tư tưởng cách mạng, gây được tiếng vang và lòng yêu nước trong công chúng như: Bóng tối và ánh sáng, Sau ngày cưới, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa...
Hai vở Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh sẽ diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) đêm 1, 2 và 8, 9.3.2014.