Thách đấu trực tuyến phản cảm: Hệ lụy từ kiếm tiền bất chấp

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/03/2023 12:40 GMT+7

VTV.vn - Những cuộc thách đấu ngắn, chỉ 5 phút, không mang lại hàm lượng thông tin hay điều bổ ích gì nhưng vẫn thu hút đông đảo người xem mỗi ngày.

Livestream đôi, từ những thử thách như bắt ăn theo cách thức của động vật đến cởi áo, nhảy khêu gợi hay dung tục…đều được sử dụng trong các buổi livestream đôi. Hình thức livestream đôi này còn được gọi PK. Trên một số nền tảng, hình thức này cho phép 2 người hoặc 3 – 4 người cùng livestream đối đầu nhau, xem ai có nhiều lượt thích và quà tặng nhất từ người xem trực tiếp. Theo đó, cả hai cùng đặt ra yêu cầu mà người thua phải thực hiện.

Kiểu livestream Tiktok được chia thành 2 phần chính, bao gồm phần thi đấu và phần hình phạt. Người chơi sẽ thi đấu trong 5 phút, xem ai là người nhận nhiều like và quà tặng hơn từ người xem trực tuyến. Phần hình phạt khi đã có kết quả trận đấu, người thua sẽ phải thực hiện thử thách do người thắng yêu cầu định trước. Có thể thấy, ai là người thắng trong một cuộc thách đấu phụ thuộc vào số lượng lượt yêu thích và quà tặng của người xem.

Tuy nhiên, trong cách thức tính điểm, lượt yêu thích được tính số điểm rất thấp. Với quà tặng, càng nhiều quà thì số tiền người xem bỏ ra cho nhân vật mình yêu thích càng cao, người chơi sẽ chiến thắng. Số tiền người xem bỏ ra sau đó sẽ được chia sẻ theo quy định giữa nền tảng và người chơi. Càng kêu gọi được nhiều người xem quyên góp thì số tiền người chơi nhận được sẽ càng nhiều. Với Tiktok – nền tảng đang thu hút đông đảo người trẻ tham gia, mỗi trận đấu giờ đây không còn trong phạm vi một quốc gia mà còn có thể trên quy mô quốc tế. Người chơi ở Việt Nam có thể tham gia thử thách với người chơi ở quốc gia khác. Mỗi ngày, mỗi tháng sẽ có bảng xếp hạng ai là người chơi có thành tích cao nhất.

Thi hát, múa, nhảy hay đơn giản là nói chuyện, trong 5 phút của mỗi thử thách, người tham gia sẽ liên tục nhắc người xem tặng quà cho mình. Người xem sẽ nạp tiền vào mua quà, đổi điểm để giúp người mình thích giành chiến thắng và xem người thua thực hiện thử thách. Dù bị giữ lại 70% nhưng những người chơi có thể kiếm được hàng chục, hàng trăm triệu đồng trong một khoảng thời gian ngắn. Việc nhẹ lương cao nên chặn tài khoản này, tài khoản mới lại mọc lên. Những người livestream với thử thách sốc, sến, hở… nghĩ ra đủ cách lách luật.

Kiếm tiền dễ dàng từ những trận thách đấu rất hấp dẫn. Vì thế, không khó hiểu khi bật nền tảng như Tiktok đều thấy những trận thách đấu nhan nhản. Những cuộc thách đấu ngắn, chỉ 5 phút nhưng không mang lại hàm lượng thông tin hay điều bổ ích gì nhưng vẫn thu hút đông đảo người xem mỗi ngày. Việc người xem ủng hộ tiền cho người chơi thách đấu hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện vì muốn ủng hộ cho người mà họ xem là thần tượng. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa nhận thức được hành vi, hành động của mình đã lấy tiền của gia định, thậm chí là trộm cắp tài sản, để ủng hộ cho thần tượng. Có gia đình đã từng lên tiếng khi con gái bỏ ra tới 400 triệu đồng để ủng hộ cho người chơi. Nhưng đó vẫn chỉ là những hậu quả nhìn thấy được. Điều đáng lo ngại hơn là ngày càng nhiều người, trong đó có các em nhỏ, bị cuốn vào những cuộc chơi thách đấu trực tuyến phản văn hóa này mỗi ngày.

Theo số liệu từ ICT – chuyên trang thông tin công nghệ thông tin và truyền thông, tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng ứng dụng TikTok đã tăng từ 34% (năm 2020) lên 62% (năm 2022), với thời lượng sử dụng tăng gấp đôi từ 4% lên 8%. Người dùng Tiktok tập trung cao ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30. Một thống kê khác cũng chỉ ra lượng người dùng Tiktok ở Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này.

Tại Trung Quốc, quốc gia khai sinh ra nền tảng Tiktok, Cục quản lý video và truyền hình quốc gia cùng Bộ Văn hóa và du lịch đã ban hàng 31 hành vi bị cấm. Người thực hiện livestream không được thổi phồng các vấn đề nóng, nhạy cảm hoặc cố tình tạo dư luận, không được khuyến khích người dùng tương tác theo những cách thức thô tục, không được kích động người hâm mộ bằng tin đồn hay thực hiện hành vi bạo lực mạng. Các tiêu chuẩn cũng cấm người livestream đưa ra lời khuyên hay lôi kéo trẻ vị thành niên…

Còn tại Việt Nam, trong lúc các cơ quan quản lý vẫn chưa có quy định về quy chuẩn cho hoạt động livestream thì hàng ngày, hàng giờ, những trận thách đấu phản cảm, dung tục vẫn diễn ra tràn lan, kích động những góc tối trong tâm hồn người xem. Điều nguy hiểm là trong đó có rất nhiều trẻ vị thành niên.

Đám đông chen chúc, giẫm đạp lên mồ mả để livestream đám tang Đám đông chen chúc, giẫm đạp lên mồ mả để livestream đám tang

VTV.vn - Một bộ phận những người sống bằng nghề livestream, phát trực tiếp trên mạng xã hội đã thể hiện sự thiếu văn hoá khi đưa tin về tang lễ Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước