“Thanh Tùng là nhạc sỹ rất… rất khác biệt”

(Theo Dân trí)-Thứ tư, ngày 16/03/2016 17:08 GMT+7

VTV.vn - Trong buổi trò chuyện, NS Phó Đức Phương nhắc đi nhắc lại cụm từ "nhạc sỹ khác biệt", "số phận khác biệt" để nói về sự nghiệp, cá tính sống lẫn cuộc đời của NS Thanh Tùng.

“Nhạc sỹ Thanh Tùng bị bệnh hiểm nghèo từ 7 – 8 năm nay, rất vất vả. Anh ấy bị liệt, phải đi xe lăn, phải thực hiện một chế độ điều trị đặc biệt… cho nên nhạc sỹ Thanh Tùng ra đi nhưng tôi không bị bất ngờ, bởi vì điều đó đã dự đoán từ trước”, nhạc sỹ “Trên đỉnh Phù Vân” mở đầu câu chuyện về người bạn của mình.

Cho đến bây giờ, trong mắt nhạc sỹ Phó Đức Phương, "ông bạn âm nhạc" của ông vẫn là một người đầy rẫy những điều khó hiểu mà ông vẫn chưa thể tìm được câu trả lời.

Trong mắt ông, nhạc sỹ Thanh Tùng là một người như thế nào, thưa ông?

- Tôi biết Thanh Tùng từ sau thời điểm đất nước giải phóng, quãng độ năm 1976 hay 1978 gì đó. Đó là thời điểm Thanh Tùng đi học nhạc ở Triều Tiên về. Tôi có nghe phong phanh rằng, Thanh Tùng qua đó không học âm nhạc cổ điển như nhiều người Việt Nam mà học chuyên về nhạc nhẹ. Từ ngày quen biết nhau, thỉnh thoảng có dịp gặp gỡ, chúng tôi lại chuyện trò về âm nhạc.

Nhạc sỹ Thanh Tùng lúc sinh thời. Ảnh: TL..
Nhạc sỹ Thanh Tùng lúc sinh thời. Ảnh: TL..

Để nói về ông bạn nhạc sỹ này tôi có thể nói rằng, Thanh Tùng là nhạc sỹ rất… rất khác biệt so với những người bạn nhạc sỹ thông thường khác của tôi. Khác biệt ở chỗ, Thanh Tùng không bao giờ cam chịu sống đời sống kinh tế bình thường như những công chức nhà nước khác mà phải sống thật đàng hoàng, phong lưu, giàu sang… Và đúng là ông bạn tôi giàu sang thật. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất của Thanh Tùng trong giới âm nhạc nói riêng và trong số những người bạn tôi biết nói chung.

Tuy nhiên, để có được cuộc sống đó, Thanh Tùng cũng phải trải qua không ít biến cố và thăng trầm. Điều quan trọng là cuối cùng Thanh Tùng đã nói được và làm được. Ông ấy quyết tâm thay đổi đời sống, vượt thoát khỏi những chật vật và khó khăn của đời sống bình thường để làm giàu bằng con đường kinh doanh chứ không phải bám víu vào âm nhạc. Nhờ thế mà Thanh Tùng có đời sống đàng hoàng và khác hẳn giới nhạc sỹ chúng tôi thời bấy giờ.

Theo ông, so với các nhạc sỹ cùng thời, nhạc sỹ Thanh Tùng có nhiều sự khác biệt. Vậy, nhạc sỹ Thanh Tùng đối xử với mọi người có gì khác biệt so với bình thường?

- Nếu nhẩm tính sơ sơ thì cho đến nay tôi và Thanh Tùng quen biết nhau cũng ngấp nghé 40 năm. Tất nhiên, 40 năm đó không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp nhau hoặc thân thiết với nhau như tri kỷ âm nhạc vì điều kiện mỗi người một nơi, hoàn cảnh mỗi người một khác. Chỉ có điều, mỗi lần tôi vào TP. Hồ Chí Minh công tác mà gặp Thanh Tùng thì chúng tôi đều rất trân quý nhau. Ông ấy rất trân trọng tôi và tôi cũng rất quý mến ông ấy.

Tôi ghi nhận sự khác biệt trong ngôn ngữ âm nhạc của Thanh Tùng tới mức năm 1985, khi đó Thanh Tùng đã có vài ba năm xuất hiện trên nhạc đàn, những bài hát mang màu sắc rất đặc biệt của mình đang gây được sự chú ý và tôi lúc đó đang làm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca múa Hà Nội (tiền thân của Nhà hát Ca Múa Thăng Long bây giờ) tôi đã hết sức trân trọng mời Thanh Tùng ra Hà Nội để làm một chương trình nhạc nhẹ, nhạc trẻ, hoàn toàn cho Hà Nội.

Cuối cùng việc đó không thành vì lí do nọ, lí do kia và lí do mấu chốt vẫn là không đủ tài chính. Đoàn Ca múa Hà Nội thời đó nghèo quá nên dù yêu quý bạn mình vô cùng, muốn mời bạn mình dàn dựng một chương trình âm nhạc có sự khác biệt, có màu sắc mới mẻ của nhạc nhẹ Thanh Tùng để phục vụ khán giả Thủ đô nhưng tôi cũng đành phải lực bất tòng tâm. Thanh Tùng cũng rất yêu mến tôi nhưng cũng không thể nào làm được điều mà Đoàn Ca múa nhạc Hà Nội mong muốn.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những cảm nhận của ông trước sự khác biệt của âm nhạc Thanh Tùng?

- Thanh Tùng không chỉ có cuộc sống khác biệt mà âm nhạc của ông cũng rất khác biệt. Sau khi hoàn thành chương trình học ở Triều Tiên trở về, được một thời gian thì Thanh Tùng bắt đầu trình làng những tác phẩm âm nhạc đầu tiên của mình như: Con kênh xanh xanh, Cánh chim báo tin vui, Lối cũ ta về, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mí mắt, Hoa tím ngoài sân

Tôi phải nói đó là những bài hát có sự khám phá, có sự tìm tòi, có sự mới mẻ. Màu sắc âm nhạc của Thanh Tùng thời đó trong nhạc đàn chưa hề xuất hiện. Nó hết sức mới mẻ và sáng tạo với ngôn ngữ rất Tây, rất khác biết. Mới mẻ nhưng không xa lạ mà lại rất gần gũi với thị hiếu âm nhạc của khán giả chính vì thế bài nào ra đời cũng có sức lan tỏa rất rộng trong đời sống âm nhạc.

Bài nào cũng có khả năng chiếm lĩnh thị trường, cũng được công chúng nghe nhạc đón nhận một cách hồ hởi. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất thú vị và trân trọng những tác phẩm âm nhạc của Thanh Tùng. Đấy, tôi trân trọng tới mức tha thiết mời Thanh Tùng ra Hà Nội để dàn dựng một chương trình cho Đoàn Ca múa Hà Nội như vừa kể mà.

Nhạc sỹ Thanh Tùng rất trân trọng tình cảm vợ chồng dù nổi tiếng là người đào hoa. Ảnh: TL..
Nhạc sỹ Thanh Tùng rất trân trọng tình cảm vợ chồng dù nổi tiếng là người đào hoa. Ảnh: TL..

Nói như vậy để chốt lại rằng, Thanh Tùng là một tài năng và cũng là điển hình của sự thành công của một người sáng tạo. Có điều, cứ như có sự “lập trình” của trời đất, tác phẩm âm nhạc của Thanh Tùng không nhiều mà cuộc đời sáng tác của nhạc sỹ Thanh Tùng cũng không kéo dài, chỉ khoảng mươi mười lăm năm mà thôi. Mặc dù ít nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, những tác phẩm âm nhạc của Thanh Tùng có vị trí rất đặc biệt trong đời sống âm nhạc.

Cám ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh: "Thanh Tùng đa tình nhưng trân trọng tình cảm vợ chồng

Anh Tùng ra đi tôi rất thương. Tôi tiếc cho một tài năng âm nhạc. Phải nói rằng, anh Tùng là ngọn cờ đầu của nền nhạc nhẹ Việt Nam. Anh ấy đã thổi vào nền âm nhạc Việt Nam đương thời một luồng sinh khí mới mà trước đó không có. Những bài “Lý ngựa ô”, “Con kênh xanh xanh” là những bài đầu tiên theo phong cách nhạc nhẹ của phương Tây. Bản thân tôi và nhiều anh chị em trong nghề cũng đánh giá rất cao những đóng góp ấy của anh Tùng.

Cho đến bây giờ, những tác phẩm âm nhạc của anh Tùng sáng tác vào những năm đầu của thập niên 80 vẫn được sử dụng rất nhiều, vẫn được mọi người yêu thích.

Những bài “Giọt nắng bên thềm”, “Giọng sương trên mí mắt”, “Một mình”, “Hoa tím ngoài sân”, “Chuyện tình của biển”, “Ai cho em mùa xuân”, “Hát với chú ve con”… những bài rất đơn giản nhưng lại rất mới.

Năm 2014, kỷ niệm 60 năm Giải phóng Điện Biên Phủ tôi có gặp lại Thanh Tùng, lúc đó anh ấy mới nói được đôi ba câu sau một thời gian dài bị tai biến. Hai anh em có chụp với nhau một tấm ảnh, không ngờ đó là tấm ảnh cuối cùng.

Thật lòng là tôi rất quý anh Thanh Tùng. Anh ấy sống với mọi người rất là tốt. Anh ấy cũng là người hào hoa phong nhã. Thời trẻ anh Tùng là người đẹp trai, sống rất Tây nên cũng có nhiều người yêu mến, nhất là cánh chị em. Tuy nhiên, phải nói rằng, dù là người đa tình nhưng anh Tùng rất trân trọng tình cảm vợ chồng. Khi chị ấy mất đi, anh Tùng đã không tái hôn nữa mà ở vậy nuôi con dù lúc đó đang còn trẻ.

Không những thế, anh ấy còn có nhiều tác phẩm âm nhạc sâu sắc dành cho vợ mình. Đó là điều khiến các con anh ấy rất trân trọng và tận hiếu chăm sóc bố cho đến những ngày cuối đời. Chỉ tiếc là anh ấy bị bệnh sớm quá. Cách đây hàng chục năm anh ấy đã bị tai biến rồi nên sự nghiệp sáng tác của anh ấy không dài và không nhiều tác phẩm âm nhạc. Nếu anh ấy mà khỏe chắc chắc nền âm nhạc Việt Nam đã có nhiều ca khúc hơn nữa.

Tôi có một kỷ niệm với anh Tùng đó là vào năm 1991, chúng tôi được mời làm giám khảo chấm Hội thi chuyên nghiệp về nhạc nhẹ ở Đà Nẵng. Tôi nhớ năm đó Thanh Lam tham gia dự thi và dành giải Đặc biệt. Ngoài ra, anh Tùng cũng tham gia chấm nhiều giải khác và có công phát hiện ra nhiều tài năng âm nhạc mới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước