Tiếng lóng trên mạng xã hội – Đâu là ranh giới?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 24/11/2022 14:27 GMT+7

VTV.vn - Những từ ngữ mới của thế hệ GenZ là một hiện tượng bình thường trong đời sống ngôn ngữ và không có khả năng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Những từ ngữ được sử dụng phổ biến trên mạng xã hội hiện nay của các bạn trẻ khiến nhiều người hoang mang vì không hiểu rõ. Những từ như "khum, chằm Zn, lemòn, géc gô"… là những từ lóng được các bạn trẻ GenZ sử dụng, đó là các bạn sinh năm từ năm 1997 đến 2010. Nhưng không chỉ dừng lại trong cộng đồng người trẻ, những từ ngữ này đang ngày càng phổ biến trong đời sống hiện nay. Nhiều bạn trẻ chia sẻ việc sử dụng từ lóng mang đến sự gần gũi, vui vẻ.

Sử dụng ngôn ngữ của người trẻ là cách một số thương hiệu tiếp cận khách hàng. Nhiều trang báo còn cho ra mục Từ điển ngôn ngữ người trẻ nhằm giải nghĩa những từ mới. Ngôn ngữ thay đổi và sự sáng tạo này được một bộ phận xã hội đón nhận.

Ngôn ngữ là mã giao tiếp tồn tại trong cộng được người mọi người quy ước với nhau. Thế hệ GenZ cũng là một cộng đồng thu nhỏ và tạo nên những mã ngôn ngữ để có thể giao tiếp với nhau. Việc sử dụng tiếng lóng khi nói chuyện với bạn bè cùng thế hệ, có mức độ quen biết thân thiết nhất định, khiến cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, hài hước và gần gũi hơn.

Nguyên nhân cho sự ra đời của những ngôn ngữ mạng này về mặt khách quan như xu hướng đổi mới, trào lưu xã hội, sự bùng nổ của Internet. Còn về mặt chủ quan, các bạn trẻ muốn tìm cho mình một sự khác biệt và mới lạ.

PGS Phạm Xuân Thạch cho rằng, những từ ngữ mới này là một hiện tượng bình thường của đời sống ngôn ngữ và không có khả năng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt: "Bản chất của ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, không dậm chân tại chỗ và vận động cùng với cuộc sống. Trong xưng hô và giao tiếp, việc các bạn trẻ đưa vào ngôn ngữ nói và viết cả ngữ âm của các vùng miền, pha trộn tiếng Việt với tiếng Anh, đưa một số từ ngữ tạo ra từ ngữ mới… là một khuynh hướng vui vẻ và thể hiện sự vận động bình thường của ngôn ngữ, phản ánh đời sống của các bạn. Chúng ta nên rộng mở với hiện tượng này".

"Chúng ta cần hiểu đúng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa là giữ tiếng Việt giống như cách đây 10 năm, 20 năm, 30 năm hay 40 năm mà là đảm bảo ngôn ngữ luôn luôn vận động, biến đổi và làm thế nào để ngôn ngữ sử dụng đúng cách, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh và phản ánh đúng nội dung thông tin cần truyền tải, phù hợp hoàn cảnh giao tiếp", PGS. Phạm Xuân Thạch nói.

Từ lóng sinh ra trên không gian mạng nhưng lâu dần thành quen, khi ngôn ngữ này không dừng lại ở các cuộc trò chuyện vui trên mạng xã hội hay cộng đồng người trẻ thì trong một số trường hợp, nó trở thành phản cảm. Từ một ngôn ngữ vui vẻ, nó trở thành xấu xí trong mắt mọi người.

Các nhà ngôn ngữ học luôn khẳng định tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ thuộc nhóm có sức sống nhất trên thế giới. Trải qua thăng trầm biến động của lịch sử, tiếng Việt không những không bị mất đi, nghèo nàn hay biến dạng mà còn ngày càng phong phú, sinh động vì biết chọn lọc, hòa đồng và du nhập một cách hợp lý ngôn ngữ ngoại lai khi du nhập vào nước ta. Sự biến hóa của tiếng Hán thành tiếng Hán Việt, sự du nhập của tiếng Pháp được chuyển hóa vào dòng chảy tiếng Việt… là những ví dụ sinh động cho điều đó.

Suy xét lại, ngôn ngữ GenZ chỉ mang tính cá nhân, không mang tính xã hội đặc biệt, không sở hữu sử tính, không dễ hiểu và có cơ sở phát triển thành một hệ thống rõ ràng. Chính vì theo thời gian, ngôn ngữ GenZ có khả năng cao sẽ bị đào thải và lãng quên. Một trào lưu từ lạ khác sẽ lại lên ngôi. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh văn hóa giao tiếp, cũng có giới hạn nhất định khi sử dụng.

"Trong ngôn ngữ, cần có sự giáo dục phù hợp với hoàn cảnh, dạy công dân của chúng biết cách sử dụng ngôn ngữ thích ứng đúng với hoàn cảnh giao tiếp và đối tượng giao tiếp, biết giới hạn sự sáng tạo ngôn ngữ ở mức chừng mực. Ở đây, điều sâu xa hơn là tạo ra cội rễ, nền tảng văn hóa cho mỗi con người, để biết lúc nào, với đối tượng nào, hoàn cảnh nào thì sử dụng ngôn ngữ gì, và biết biến đổi ngôn ngữ như thế nào là phù hợp. Tôi nghĩ đó là vai trò quan trọng của giáo dục. Cùng với cái nhìn bao dung của xã hội, ngôn ngữ sẽ vận động đúng với quỹ đạo cần có của nó trong đời sống", PGS Phạm Xuân Thạch cho biết.

Ngôn ngữ, tiếng nói là phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Đứng về mặt nào đó, ngôn ngữ là lăng kính phản ánh khá trung thực hình thái xã hội và văn hóa con người. Tiếng Việt còn, nước Việt còn. Nhiều người Việt trên khắp thế giới vẫn tìm cách gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt.

Gen Z không thích tụ tập cùng đồng nghiệp sau giờ làm Gen Z không thích tụ tập cùng đồng nghiệp sau giờ làm

VTV.vn - Phần lớn thế hệ gen Z tỏ ra không thoải mái khi đồng nghiệp rủ đi chơi sau khi tan làm chốn công sở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước