Việt Nam hiện có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Bên cạnh những thông tin tích cực, nhiều thông tin thiếu kiểm định, tin giả, tin sai đang lan tràn, tác động không nhỏ đến đời sống cộng đồng, thậm chí gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế, chính trị xã hội.
Nhiều đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật được cơ quan chức năng các địa phương phát hiện và xử lý. Mới đây, vào ngày ¼, trên một trang Facebook cá nhân đăng thông tin ông Dương Công Minh – Chủ tịch ngân hàng Sacombank bị cấm xuất cảnh, do bị cáo buộc rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan, người đang bị xét xử trong vụ án ngân hàng SCB. Ngay lập tức, nội dung này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Bộ Công an khẳng định đây là thông tin sai sự thật.
“Những thông tin giả không mang được giá trị tích cực và được truyền đi theo những uẩn ức riêng thì sẽ dễ dàng dẫn dắt hành vi tâm lý của cộng đồng theo tính chất tiêu cực”, PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh – Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn chia sẻ.
Trong môi trường số đang hình thành thói quen đọc lướt, thậm chí chưa đọc kỹ đã ấn nút chia sẻ trên mạng xã hội. Người đọc bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, dễ tin vào những điều có nhiều người chia sẻ, nhiều người thích, hình thành xu hướng cuốn theo đám đông mà không cần kiểm chứng hay phản biện, suy xét thấu đáo, với kiểu thông tin nửa thực, nửa hư, mờ ảo. Tin giả như virus độc hại với muôn hình vạn trạng, chiêu trò và thủ đoạn.
Áp dụng các biện pháp phòng chống tin giả ngày càng cấp thiết. Việc cung cấp kỹ năng nhận biết thông tin cần được thực hiện ở mọi nơi, với mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Đây là tài liệu thiết thực, giúp mỗi người có thêm kiến thức để bảo vệ bản thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!