Tin giả vài năm trở lại đây đã trở thành nỗi lo khi liên tục lan truyền qua các trang mạng xã hội và gây ra nhiều hệ lụy. Người dùng mạng xã hội cũng ngày càng thông thái hơn, dần học cách phân biệt tin giả, tin sai sự thật, tin không kiểm chứng để không tiếp tay lan truyền cho những kẻ có ý đồ xấu. Tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh chóng đang tạo ra công cụ mà những kẻ tung tin giả có thể sử dụng để lừa đảo tinh vi hơn, như công cụ trí tuệ nhân tạo AI, Deep Fake để giả mạo gương mặt, giọng nói của bất cứ ai có được thông tin. Điển hình như việc các chính trị gia nổi tiếng trên thế giới thời gian qua đã liên tục bị tạo ra những video giả mạo gây mất uy tín cá nhân.
Theo một tổ chức chuyên theo dõi các thông tin sai lệch tại New York, trí tuệ nhân tạo đang đưa việc sản xuất và lan truyền tin giả lên một cấp độ mới, khi có thể tạo ra nội dung sai lệch về bầu cử, chiến tranh, thiên tai với tốc độ nhanh và khó phân biệt với tin thật. Kể từ tháng 5/2023, các website chứa bài viết sai sự thật do AI tạo ra đã tăng hơn 10 lần, từ 49 trang hơn 600 trang. Một số website dùng trí tuệ nhân tạo để nhân lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài báo mỗi ngày.
Có thể phân biệt các nội dung giả mạo thông qua cách hành văn, ngữ pháp kỳ quặc và lỗi cấu trúc câu. Còn với video, có thể phân biệt bằng cử động cơ mặt có sự bất thường. Tuy nhiên, công cụ phân biệt hiệu quả nhất chính là nâng cao hiểu biết và có thói quen kiểm tra thông tin từ nguồn chính thống, thay vì chỉ đọc nghe một nguồn duy nhất và tin ngay.
Một trong những cách hạn chế tác động tiêu cực của việc tạo tin giả từ trí tuệ nhân tạo AI là phát triển hệ thống phát hiện và gắn cờ nội dung có khả năng giả mạo do công cụ này tạo ra. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải có quy định về tính minh bạch và giải trình cao hơn về việc sử dụng các công cụ này, giúp giảm nguy cơ lan truyền tin giả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!