Sự bùng nổ của nhạc số và các sự kiện, các festival âm nhạc đã tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Với hoạt động biểu diễn, nếu trước đây khán giả nghe nhạc ở nhà hát, phòng trà hay các nền tảng nhạc trực tuyến thì nay, ở thủ đô Hà Nội, những sân khấu ngoài trời đang được nhiều người yêu nhạc lựa chọn bởi sự mới lạ, trẻ trung. Các không gian biểu diễn ngoài trời cũng giúp khán giả và nghệ sĩ đến gần nhau hơn. Ba yếu tố nghệ sĩ, ban nhạc và không gian là sức hút của mỗi đêm nhạc ngoài trời.
Trong sáng tạo âm nhạc, việc hòa trộn phong cách hiện đại và truyền thống là xu hướng nổi bật, có thể thấy rõ điều đó qua nhiều sự kiện diễn ra gần đây như lần đầu tiên Dàn nhạc trẻ thế giới đến Việt Nam và biểu diễn cùng các thành viên của Dàn nhạc giao hưởng trẻ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hay đêm nhạc Cam Gala: I – nơi quy tụ 10 nghệ sĩ trẻ mang dòng nhạc Indie kết hợp với âm nhạc cổ điển…. Qua đó, khán giả có dịp gặp gỡ nghệ sĩ yêu thích của mình với phong cách hoàn toàn mới mẻ, ấn tượng. Không chỉ vậy, làm nên điểm nhấn âm nhạc thì có đóng góp không nhỏ của những người sáng tạo các video âm nhạc, các không gian âm nhạc.
Ngày càng có nhiều thành phố của Việt Nam như Đà Lạt, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành thành phố âm nhạc. Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nền công nghiệp âm nhạc, một trong 12 lĩnh vực chủ chốt của công nghiệp văn hóa, vì chúng ta sở hữu dân số trẻ, yêu âm nhạc và cả những nhân tố sáng tạo. Thế nhưng, phát triển công nghiệp văn hóa còn cần những thay đổi về chính sách để cộng đồng sáng tạo Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nữa thực hiện dự án của mình, góp phần góp phần kích hoạt đời sống âm nhạc nước nhà lành mạnh, văn minh và chuyên nghiệp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!