Công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam chưa thành cỗ máy hái ra tiền

PV-Chủ nhật, ngày 23/07/2023 13:17 GMT+7

VTV.vn - Công nghiệp âm nhạc được ví như cỗ máy hái ra tiền nhưng Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp âm nhạc, công nghiệp biểu diễn thực thụ.

Hiện tượng ca khúc See tình ở nước ngoài và một số thành công ban đầu của ca sĩ Việt tại thị trường châu Á khiến cộng đồng âm nhạc quốc tế cũng đã chú ý hơn đến Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ quốc tế lớn đang ở đỉnh cao nghề nghiệp chọn Việt Nam là điểm dừng chân trong các chuyến lưu diễn thế giới, như Charlie Puth, BLACKPINK và Super Junior.

Có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp âm nhạc, công nghiệp biểu diễn thực thụ. Việt Nam còn rất nhiều điểm yếu, thiếu địa điểm biểu diễn, hạ tầng kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn của các ngôi sao quốc tế. Đa phần hệ thống này Việt Nam đều thuê từ nước ngoài, tính chuyên nghiệp khâu tổ chức, hậu cần, logistics vẫn còn là một khoảng trống.

"Mời các nghệ sĩ quốc tế về thì điều tôi điền vào yêu cầu của họ là địa điểm biểu diễn ở đâu, sức chứa bao nhiêu người và hạ tầng biểu diễn ra sao. Nhưng đến khi xét thang chấm điểm, tôi lại để vụt mất cơ hội làm việc cùng các ngôi sao như vậy", ông Nguyễn Thùy Dương – Nhà sản xuất âm nhạc, Chủ tịch IB Group chia sẻ.

Công nghiệp âm nhạc được ví như cỗ máy hái ra tiền. Chưa đề cập tới các cường quốc công nghiệp biểu diễn như Anh, Mỹ, chỉ nhìn sang tới nước láng giềng Hàn Quốc nhiều năm nay đã trở thành biểu tượng phát triển công nghiệp văn hóa. Mỗi năm, các nghệ sĩ Kpop đều bán được rất nhiều album. Riêng năm 2022, 80 triệu album đã được bán ra trên toàn thế giới. Ước tính, riêng nhóm nhạc BTS đã mang về cho Hàn Quốc 3,6 tỷ USD mỗi năm. Số lượng người hâm mộ làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã tăng hơn 156 triệu người tại hơn 110 quốc gia. Có được sự thành công này là nhờ định hướng bài bản, một cỗ máy giải trí khổng lồ hoạt động liên tục.

Chiến lược công nghiệp văn hóa Việt Nam có đưa ra con số, đến 2030 đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP là 7%, trong đó ngành nghệ thuật biểu diễn là 31 triệu USD. Để âm nhạc, điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp giải trí Việt Nam nói chung phát triển thực sự là sức mạnh mềm của đất nước cần phải có chiến lược và tầm nhìn dài hạn của các cơ quan quản lý và cả người làm nghệ thuật. Bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước