Văn hóa là một mạch nguồn âm thầm nhưng có vai trò to lớn với sự phát triển của dân tộc. Chính vì vậy, trong thời chiến cũng như thời bình, mặt trận văn hóa có vai trò quan trọng không kém mặt trận chính trị, quân sự hay kinh tế. Điều đó được thể hiện rõ nét qua Nghị quyết Đại hội Đảng các thời kỳ, đặc biệt là trong 2 Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Hội nghị đầu tiên diễn ra vào năm 1946 và tiếp theo là Hội nghị văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021.
75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 1, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, được đánh giá là cú hích lớn với nhận thức của các cấp ủy Đảng và toàn xã hội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Từ văn hóa cứu quốc, văn hóa kiến quốc đến văn hóa nguồn lực phát triển, tư tưởng ấy được Đảng kế thừa, phát triển qua các kỳ Đại hội, vì mục tiêu đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Chương trình tòa đàm với chủ đề "2 năm chấn hưng văn hóa", với sự tham gia của các khách mời: PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL; ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, đã đưa ra những phân tích cụ thể, đa góc cạnh về quá trình phát triển văn hóa nước ta trong 2 năm qua, kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, từ Hội nghị văn hóa toàn quốc 1946 đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam luôn có sự liền mạch và xuyên suốt. "Ngay ở giai đoạn đầu tiên, văn hóa đã được đánh giá có vai trò rất quan trọng. Văn hóa như một nguồn lực để tạo ra sự phát triển đột phá của đất nước trong bối cảnh từ những năm 1946. Tới năm 2021, chúng ta đứng trước một cơ hội và tiền đồ, tạo điều kiện cho sự phát triển của văn hóa. Vào thời điểm này, văn hóa lại thể hiện vai trò là một trụ cột của sự phát triển. Văn hóa sẽ trở thành động lực để khởi dậy khát vọng cống hiến của đất nước", bà Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã đặt ra rất nhiều mục tiêu và cả giải pháp. Sau chặng đường hai năm, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa nhận định sự chuyển biến rõ ràng nhất sau Hội nghị là thay đổi về tư duy, nhận thức. Điều quan trọng hơn là có một niềm tin về sự thay đổi của văn hóa đất nước. "Có thể thể chế chưa thay đổi, quy trình phải cần từng bước nhưng kể cả những người làm văn hóa cơ sở, người làm văn hóa tư nhân đều đã tự thấy bản thân cần làm gì đó cho văn hóa của đất nước. Động lực đó hết sức quan trọng để phát triển văn hóa lâu dài trong điều kiện còn nhiều khó khăn", ông Đỗ Chí Nghĩa cho biết.
"Về nhận thức, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, xác định trách nhiệm của mình, biến điều đó thành hành động cụ thể, đặc biệt ở những cơ sở thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa của đất nước", ông Đỗ Đình Hồng nói thêm.
Có thể nói, trong hai năm qua, những chuyển biến trong nền văn hóa nước nhà không phải là những cảm nhận trừu tượng mà bước đầu đã đo đếm được bằng những sự kiện nổi bật, con số biết nói và công trình, sản phẩm cụ thể.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nhiều Hội nghị quan trọng đã được tổ chức, đi sâu vào những vấn đề cốt lõi như Hội thảo thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức; Hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì; cùng nhiều hội nghị tại các địa phương như Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Giang…
63/63 tỉnh, thành đều xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Bộ VHTTDL đang xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trình Chính phủ và Quốc hội trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương…
Ở các địa phương, đầu tư cho văn hóa tăng rõ rệt. Hà Nội đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội, trong đó có văn hóa…
"Những cơ chế này rất đột phá" – ông Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ quan điểm về Nghị quyết số 98 của Quốc hội – "Chúng tôi đánh giá những cơ chế này sẽ giúp cho thành phố bứt phá về mặt văn hóa, bên cạnh lĩnh vực kinh tế, tiếp tục là đầu tàu kinh tế, trong phát triển các lĩnh vực văn hóa. Điều thứ hai là nó sẽ có sự lan tỏa".
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL (trái)
Từ năm 2021 đến 2025, Hà Nội dành hơn 14.000 tỷ đồng cho việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, con số gấp hàng chục lần so với các nhiệm kỳ trước đây. Từ năm 2020 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư 301,5 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích. Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt 328 tỷ đồng cho các dự án đang triển khai thi công và dự kiến bố trí thêm 1.054 tỷ đồng cho các dự án giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hỗ trợ từ tổ chức UNESCO giúp hồi sinh nhiều di sản, trở thành động lực cho phát triển kinh tế du lịch bền vững ở địa phương.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, quá trình phát triển văn hóa trên cả nước còn nhiều hạn chế. Điển hình như ngân sách dành cho văn hóa và thông tin năm 2022 chỉ chiếm 0,9%, một con số còn khá khiêm tốn.
"Tỷ lệ ngân sách dành cho văn hóa còn thấp. Những con số cụ thể cho chúng ta thấy còn phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, việc đầu tư văn hóa thấp còn do chúng ta lập dự án, chương trình phải mang tính thuyết phục hơn nữa. Điều thứ hai là chúng ta phải có những người triển khai dự án. Khi ngân sách được quyết rồi thì thực tế có nhiều nơi lại trả lại ngân sách, ngành văn hóa không phải là ngoại lệ. NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ở nhiều địa phương có nhiều chênh lệch", PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa phân tích.
"Đã từ lâu, ngành văn hóa bị coi là ngành tiêu tiền, cờ đèn kèn trống. Vậy muốn những người làm văn hóa có tư duy thực sự chuyên nghiệp trong vấn đề đầu tư phát triển văn hóa thì chúng tôi cần một khoảng thời gian nỗ lực hết sức. Trong hành trình đó, cần có sự chung tay", PGS.TS Thu Phương lý giải thêm.
Đến hết tháng 8/2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, giáo dục đào tạo, thanh niên, trẻ em chỉ đạt 10,64%, thuộc nhóm những cơ quan giải ngân rất thấp. Nói về điều này, ông Đỗ Chí Nghĩa cho rằng có nhiều quy định liên quan như luật đầu tư công, luật ngân sách, luật quản lý tài sản công còn vướng mắc với nhau, khi triển khai có CẢN TRỞ về quy trình, thời gian.
Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội
"Thực tế đúng như ông Đỗ Chí Nghĩa nói. Nhưng từ câu chuyện của Hà Nội, chúng tôi đề cập tới vấn đề phân cấp và phân quyền, ủy quyền" – ông Đỗ Đình Hồng tiếp lời – "Nếu tất cả các hoạt động về văn hóa như 579 di tích, với khối lượng tiền 14.920 tỷ mà chỉ ngành văn hóa thực hiện thì không biết đến khi nào mới xong. Chúng tôi đã phân cấp tới ủy ban nhân dân ở 30 quận huyện nên tiến độ về giải ngân và đầu tư của chúng tôi khá thuận lợi".
Hiện tại, lĩnh vực văn hóa còn nhiều KHOẢNG TRỐNG về pháp lý. Cụ thể, nước ta hiện có 5 luật ở lĩnh vực này, gồm: Luật Điện ảnh, luật Di sản văn hóa, luật Quảng cáo, luật Sở hữu trí tuệ, luật Thư viện. Bên cạnh đó, có 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hơn 100 Thông tư, Thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp, tuy nhiên một số lĩnh vực văn hóa chưa có luật điều chỉnh như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, triển lãm…., thậm chí có lĩnh vực còn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào như văn học, quản lý hoạt động trò chơi… Trong 2 năm qua, việc triển khai phát triển văn hóa ở nhiều địa phương gặp sự lúng túng, nơi thừa, nơi thiếu, hoặc chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt trong xây dựng các thiết chế văn hóa.
"Với các thiết chế văn hóa, để sử dụng hiệu quả hơn thì không chỉ là sự nỗ lực của Nhà nước mà cần có chính sách để huy động được từ tổ chức cộng đồng, người dân" – ông Đỗ Đình Hồng nói – "Trong luật Đối tác công – tư mới chỉ có lĩnh vực giáo dục, y tế mà chưa có văn hóa và thể thao. Chính vì thế, chúng tôi đề xuất ở trong các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao được sẽ được thực hiện theo luật ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ".
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra tình trạng tùy tiện, chấp vá trong bố trí cán bộ văn hóa. Minh chứng cụ thể, nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật tính đến giữa năm 2021, tổng số có 19.751 người. Ở cấp sở (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), đội ngũ cán bộ văn hóa biên chế ở các phòng chuyên môn như phòng nghiệp vụ văn hóa, phòng xây dựng nếp sống gia đình, phòng quản lý di sản… là 5-7 người/phòng. Còn ở cấp huyện, cán bộ văn hóa được định biện từ 5 – 7 người, làm ở phòng văn hóa thông tin. Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội thẩm tra giữa kỳ kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2015 đã chỉ ra tình trạng một số cán bộ văn hóa xã phải phụ trách tới 17 lĩnh vực.
"Cần phải có sự trân trọng, những CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI hơn với cán bộ văn hóa" – PGS.TS Thu Phương phân tích – "Công việc của cán bộ văn hóa đi tới rất nhiều xã, bản, làng. Chúng tôi cảm nhận rất sâu sắc các cán bộ xã trẻ hiện nay luôn luôn làm bằng tình yêu nhưng ngoài điều đó, họ còn muốn được đào tạo bài bản. Tránh tình trạng họ đang làm ở một lĩnh vực khác thì chuyển họ sang làm văn hóa, rồi khi vừa mới quen với công việc ở mảng văn hóa thì lại chuyển họ sang lĩnh vực mới. Đó là câu chuyện cần được giải quyết dứt điểm".
"Theo tôi, lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực chuyên biệt, ngoài chuyện hiểu sâu cần có cả tâm huyết với văn hóa, yêu văn hóa mới làm được. Đây là câu chuyện của cả cấp ủy, cả chính quyền, không thể tính bài toán đơn lẻ của từng công chức để giải quyết vấn đề này thì trong điều kiện hạn chế về nguồn lực hiện này, không thể có lời giải cuối cùng", ông Đỗ Chí Nghĩa nói.
Một vấn đề khác được bàn luận trong tọa đàm là sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Người dùng có thể lên mạng để thực hiện video, MV hay thậm chí xuất bản cả một tác phẩm văn học. Nó không phải là xu hướng của các nghệ sĩ mà của những công chúng trẻ. Điều đó đã đặt ra nguy cơ lớn lệch lạc, thậm chí là xâm lăng về văn hóa, trong công chúng.
Tại Đại hội XIII của Đảng, khái niệm VĂN HÓA SỐ lần đầu tiên được chính thức đưa ra và sau đó tiếp tục được nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Sau 2 năm, để trả lời câu hỏi rằng Việt Nam đã có văn hóa số hay chưa, cần có thêm thời gian để nhìn nhận, đánh giá.
"Văn hóa số là một cái gì đó rất mới mẻ" – ông Đỗ Chí Nghĩa cho biết – "Cuộc sống thực đang đặt ra rất nhiều vấn đề và người ta còn đang mải miết giải quyết. Trong khi đó, mạng xã hội và nền tảng số đang tác động trực tiếp đến đời sống, gây ra những lúng túng nhất định. Ở đây điều cần quan tâm là SỨC MẠNH BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG, khi báo chí mạnh lên, có sản phẩm để đọc được thì mới có thể chống lại những truyền thông sai lệch trên mạng xã hội. Anh nói thật, nói hấp dẫn, nói kịp thời thì anh sẽ có vị trí của mình trong công chúng, tự những cái xấu trên mạng sẽ được dọn dẹp, công chúng cũng sẽ tự tìm đến những nguồn thông tin đáng tin cậy".
Tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa cho khách tham quan, 3 vạn khách du lịch đã xếp hàng chờ thưởng lãm không gian của nước và di sản. Chuyến tàu kết nối di sản bên bờ sông Hồng đã phục vụ 26.000 lượt du khách trải nghiệm. Tuần lễ Sáng tạo Hà Nội đánh thức những di sản ngủ yên, một trong những minh chứng rõ nét cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa thủ đô. Khai thác bản sắc bằng sự pha trộn nhiều loại hình nghệ thuật, từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược để Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo nổi bật trong khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ có Hà Nội, nhiều tỉnh thành xác định tầm nhìn dài hạn để theo đuổi thế mạnh công nghiệp văn hóa. Năm 2023, Hội An đã ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Đà Lạt là thành phố sáng tạo về âm nhạc. Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án phát triển công nghiệp văn hóa, đặt mục tiêu gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh. Nhiều show diễn triệu USD làm nên thương hiệu cho các trung tâm du lịch lớn, những điểm di tích khô khan khoác lên mình tấm áo mới, kể những câu chuyện lịch sử sống động về đêm… Những thành công bước đầu chủ yếu đến từ khố tư nhân. Hiện tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế, mới chỉ chiếm 3% trong tổng số các dự án hợp tác công – tư trên toàn quốc. Để tạo bứt phá trong phát triển công nghiệp văn hóa, cần mô hình ba nhà: nhà nước – nhà đầu tư – nhà sáng tạo, trong đó Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, xây dựng chính sách, khuyến khích nguồn lực, ý tưởng trong xã hội, từng bước xây dựng thị trường văn hóa đa dạng, bản sắc và hội nhập.
Bảo tàng gốm Bát Tràng, nơi diễn ra buổi tọa đàm bàn về 2 năm chấn hưng văn hóa sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021
Theo các khách mời tham gia tọa đàm, có nhiều vấn đề cần giải quyết trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian tới, như câu chuyện quản lý tài sản công, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, nâng cao nhận thức về bản quyền trong cộng đồng, gồm cả người sáng tạo và người thụ hưởng… "Nếu coi đây là một ngành giúp chúng ta hóa rồng thì cần có sự đầu tư đồng bộ, ưu tiên cho phát triển công nghiệp văn hóa", PGS.TS Thu Phương nói.
Bộ VHTTDL đang xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trình Chính phủ và Quốc hội. Theo ông Đỗ Chí Nghĩa, để chương trình được thực hiện hiệu quả, cần phân rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành. "Phân vai quyền lực cũng là phân vai trách nhiệm. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ có thể kiểm đếm hiệu quả qua từng chu trình, không đợi kết thúc rồi mới đánh giá", ông Nghĩa kết lại.
Vai trò soi đường cho quốc dân đi của văn hóa đã được Đảng khẳng định ngay từ những ngày đầu cách mạng. Thế nhưng, không phải lúc nào, vai trò này cũng được nhận thức và triển khai đầy đủ, nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập. Chính vì thế Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền văn hóa nước nhà. 2 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đã có nhiều chuyển biến nhưng cũng có nhiều thách thức khó khăn cần được nhận diện, có giải pháp và hành động quyết liệt, kịp thời. Cốt lõi đằng sau những giải pháp đó là vấn đề nhận thức. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra đó là phải khắc phục tư tưởng duy kinh tế, tức là chỉ tập trung kinh tế mà quên mất văn hóa, phải quán triệt quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, xã hội, kinh tế. Bởi một chân lý giản đơn và trường tồn là văn hóa còn thì dân tộc còn.
Theo dõi các phần tích trong chương trình Tọa đàm: 2 năm chấn hưng văn hóa qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!