Tranh cổ Nhật Bản được tái tạo bằng AI

Huyền Trang (Theo CNN)-Thứ ba, ngày 31/12/2024 12:00 GMT+7

(Ảnh: Phòng trưng bày Gagosian, London)

VTV.vn - Với sự hỗ trợ của AI, hoạ sĩ Takashi Murakami đã thổi hồn hiện đại vào các bức tranh cổ và tạo nên sự giao thoa đầy ý nghĩa giữa quá khứ và tương lai.

Tại triển lãm cá nhân "Lịch sử nghệ thuật Nhật Bản theo phong cách Takashi Murakami", hoạ sĩ Takashi Murakami đã tái hiện lại tác phẩm kinh điển Rakuchu Rakugai Zu Byobu của cố họa sĩ Iwasa Matabei được vẽ trên một bức bình phong sáu tấm vào khoảng năm 1615.

Mặc dù vị hoạ sĩ 62 tuổi đã thêm vào một vài chi tiết mới nhưng tác phẩm được thực hiện một phần nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo này vẫn là một bản sao gần như hoàn hảo của bức tranh được chính phủ Nhật Bản công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Những bông hoa đặc trưng của tác giả bức tranh nổi tiếng Flowers được thể hiện bằng các gam màu cầu vồng nổi bật giữa khung cảnh thời trung cổ, điểm xuyết là các nhân vật vẫy tay chào người xem từ bờ sông Kamo và những con vật gầm rú trên mái nhà. Nghệ thuật sử dụng lá vàng của bậc thầy tranh cuộn cũng được tái hiện lại một cách độc đáo. Trong phiên bản thế kỷ 21 này, mỗi đám mây phản chiếu ánh sáng đều được dập nổi thêm nhiều bông hoa đặc trưng của Mr. Dob.

Tranh cổ Nhật Bản được tái tạo bằng AI - Ảnh 1.

(Ảnh: Phòng trưng bày Gagosian, London)

Tại buổi khai mạc triển lãm ở Anh, hoạ sĩ chia sẻ: "Bức tranh gốc đã rất cũ với rất nhiều vết hư hỏng và bị mất gần hết lớp sơn. Tôi đã sử dụng AI để hoàn thiện phần nét vẽ và màu sắc. Quy trình vẽ phác thảo và tô màu từng chi tiết nhỏ nhất mất khoảng 10 tháng để có thể hoàn thành và ăn khớp với bản gốc".

Các công cụ AI đang gây tranh cãi trong nhiều ngành công nghiệp khi cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về mối đe dọa đối với sự sáng tạo của con người và các nghề nghiệp nghệ thuật. Đã có hơn 11.000 nghệ sĩ yêu cầu các công ty AI ngừng sử dụng tác phẩm của họ để đào tạo thuật toán: "Việc sử dụng trái phép các tác phẩm sáng tạo bằng AI là một mối đe dọa lớn và bất công đối với sinh kế của những người đứng sau các tác phẩm đó".

Khác với số đông, vua của nghệ thuật đương đại nhận định: "Các nhà thiết kế theo phong cách cũ không thích các bản vẽ kỹ thuật số. Họ cho rằng đó không phải là thiết kế thực sự hoặc không sáng tạo vì nó được thực hiện bằng máy tính. Nhưng bây giờ còn ai giữ quan điểm đó không? Có lẽ trong 10 hoặc 20 năm tới, sẽ không còn ai có vấn đề gì với AI nữa".

Bên cạnh tranh của Iwasa Matabei, các tác phẩm kinh điển thời kỳ Edo của Ogata Kenzan, nghệ nhân in tranh Utagawa Kuniyoshi cùng các họa sĩ Tawaraya Sotatsu và Kano Eitoku cũng được phục dựng bằng công nghệ mới tiên tiến với mức độ sáng tạo cao hơn và được trưng bày tại triển lãm.

Đối với Takashi Murakami, phục dựng và đổi mới các tác phẩm nghệ thuật không chỉ dừng lại ở hai chữ "kế thừa" mà còn cần được phát huy và phát triển thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước