Trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 02/02/2023 13:31 GMT+7

VTV.vn - Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày.

Theo báo cáo của tổ chức UNICEF, 83% trẻ em từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15 tuổi. Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày; chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Trẻ rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm; bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp.

Một nghiên cứu của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 10 -12 % học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với Internet. Giờ đây, học sinh của các cấp học đều đang tiếp xúc với Internet. Văn hóa là một phần không thể thiếu tạo nên nền tảng tinh thần của các em. Một không gian văn hóa mới cũng hình thành trên mạng Internet, với sự tham gia của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Xây dựng văn hóa học đường không thể thiếu quản lý và xây dựng văn hóa mạng.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 31% học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến. Thế giới ảo với chức năng ẩn danh đã tạo điều kiện cho những hành vi ứng xử chưa văn minh, thiếu chuẩn mực.

"Nhiều vụ việc, hành vi chưa phù hợp với văn hóa của Việt Nam lại bắt nguồn từ những mâu thuẫn trên không gian mạng, ở đó có một đặc điểm dễ khiến chúng ta tạo ra xích mích. Bởi lẽ, trên không gian mạng chỉ là bức hình, dòng chữ, chúng ta không thể hiểu được cảm xúc của người đối diện để thấu cảm những thông điệp của nhau. Một người bình thường không dám nói trong tình huống mặt đối mặt nhưng trên không gian mạng lại có thể nói những lời thậm tệ", PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Ngoài bắt nạt, có nhiều hành vi khác trên không gian mạng tác động đến môi trường học đường. Năm 2022, trên thế giới, nhiều trào lưu độc hại đã lan truyền trên không gian mạng như ăn cắp đồ trong trường học, đánh lén giáo viên… Tại Việt Nam, những trào lưu này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, lường trước những tác động tiêu cực của văn hóa mạng đến đời sống học đường, thời gian qua nhiều trường học ở các địa phương đã tích cực xây dựng chương trình kỹ năng sử dụng mạng và ứng xử trên môi trường mạng.

Mỗi học sinh được trang bị nhận thức đúng, kỹ năng ứng phó tốt với các tình huống xảy ra trên mạng, các nhà trường sẽ bớt gánh lo về tác động tiêu cực từ không gian mạng. Đồng thời, các nhà quản lý, giáo viên cũng cần đổi mới tư duy xây dựng phương pháp tiếp cận học sinh, để hiểu hơn những điều các em suy nghĩ, các hành vi ứng xử của các em trên mạng mỗi ngày. Từ đó, hỗ trợ, định hướng cho các em kịp thời. Ngành giáo dục và văn hóa cần sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, làm cơ sở để xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, hướng đến những giá trị chuẩn mực phù hợp với cả thầy và trò trong kỷ nguyên số.

Người dùng mạng xã hội ít có xu hướng tiếp nhận các nội dung hàn lâm Người dùng mạng xã hội ít có xu hướng tiếp nhận các nội dung hàn lâm

VTV.vn - Không phải ai cũng biết người dùng đang sử dụng Social Community như thế nào, những tiềm năng của cộng đồng mang lại lợi thế gì trong các chiến dịch tiếp thị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước