Tú lệ giang sơn - Nấc thang mới trong sự nghiệp của Lâm Tâm Như

PV-Thứ bảy, ngày 17/09/2016 16:55 GMT+7

VTV.vn - Lâm Tâm Như đã thành công với lời hứa "đem lại một cái nhìn khác về Lâm Tâm Như" khi xuất hiện trong phim Tú lệ giang sơn.

Tú lệ giang sơn là dự án truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả mạng nổi tiếng Lý Hâm. Với thời lượng hơn 50 tập phim, bộ phim đã có một câu trả lời xứng đáng cho các fan nguyên tác cũng như khán giả của dòng phim dã sử.

Tú lệ giang sơn - Nấc thang mới trong sự nghiệp của Lâm Tâm Như - Ảnh 1.

Mặc dù nguyên tác vốn mang màu sắc ngôn tình – trào lưu văn học "gây sốt" cộng đồng mạng trong những năm qua, nhưng khi lên phim, Tú lệ giang sơn được xây dựng theo phong cách phim dã sử, lấy bối cảnh thời Đông Hán – Trung Hoa, với 2/3 chiều dài phim tái hiện quá trình khởi nghĩa và sáng lập triều Đông Hán của Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú. Đồng thời, phim ca ngợi "tình yêu thời loạn" giữa Lưu Tú và Âm Lệ Hoa, cũng như tình thân giữa các anh hùng khởi nghĩa nhà Hán, tình cảm gia đình, tình thầy trò…

Tất cả đan xen hài hoà và "vừa đủ" với các cột mốc lịch sử. Bởi vậy, Tú lệ giang sơn có thể tiếp tục là một mốc son mới trong sự nghiệp của diễn viên kiêm nhà sản xuất Lâm Tâm Như.

Những điểm cộng khiến bạn muốn xem phim ngay lập tức

Kịch bản phim được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết mạng vô cùng được yêu thích. Khi lên phim, những tình tiết chính của truyện được điều tiết logic, thực tế hơn. Yếu tố lịch sử và yếu tố cảm xúc được cân đối phù hợp. Thời lượng phân bổ các chương chính hợp lý, khiến diễn biến phim nhanh, kịch tính, hấp dẫn trong từng tập phim. Đặc biệt, việc khéo léo trong kết nối đường dây kịch bản giữa hai tuyến nhân vật chính là Lưu Tú (Viên Hoằng) và Âm Lệ Hoa (Lâm Tâm Như) khiến khán giả có cái nhìn thấu đáo về diễn biến nội tâm nhân vật. Đối với các nhân vật phụ, đất diễn có thể xuất hiện không nhiều, nhưng mỗi nhân vật đều được tạo bối cảnh xuất thân gãy gọn, vì vậy nhân vật mang tới cảm giác thực và gần gũi.

Tú lệ giang sơn - Nấc thang mới trong sự nghiệp của Lâm Tâm Như - Ảnh 2.

Thành công trong việc tái hiện bối cảnh lịch sử cùng phục trang và các phong tục truyền thống thời Đông Hán, đặc biệt các khung cảnh đại chiến hoành tráng với nhiều góc quay cận hoặc trực diện làm tăng tính chân thực và khốc liệt của cuộc khởi nghĩa.

Tú lệ giang sơn miêu tả rất nhiều cái chết, đôi lúc khiến người xem ghê sợ và ý thức sâu sắc về sự đánh đổi, hy sinh để có một giang sơn giàu đẹp, thái bình. Nhưng bên cạnh đó, người xem có thể tìm thấy nhiều giá trị nhân văn trong mỗi tình tiết, lời thoại, và trong các nhân vật. Những lời thoại luôn hướng đến ý nghĩa của việc "được sống" như: "nhất định phải sống, sống tốt hơn là chết" hay "Tuy sống chết có số, không ai tránh được nhưng thân thể tóc tai là do cha mẹ ban cho, nếu không biết trân trọng thì những người thân đang sống phải đau thương tới nhường nào".

Trong phim, nhân vật phản diện chỉ là một số rất nhỏ trong hàng trăm những nhân vật chính diện, hoặc ít ra khó có thể tìm ra một nhân vật phản diện hoàn toàn. Như Lưu Huyền (Vu Ba đóng) – Hán Canh Thuỷ đế vốn có tài, có tham vọng diệt nhà Tân, khôi phục Hán thất nhưng mất triều vì quan điểm chính trị độc đoán, hay nghi kị; hay như hoàng hậu đầu tiên của Lưu Tú là Quá San Đồng (trong lịch sử là Quách Thánh Thông) vốn là cô gái trong sáng, thiện lương dần trở nên đố kị chỉ vì quá yêu thương chồng nhưng lại chỉ được coi như một quân bài chính trị. Và kết thúc phim, không giống như nhiều bộ phim cung đấu khác, một sống một còn, khi người sai nhận ra sai lầm của mình, thì cái giá phải trả là lương tâm day dứt, như lời cảnh tỉnh lớn nhất, chứ không phải cái chết.

Điểm cộng cuối cùng, cũng là điểm cộng lớn nhất phim, đó là dàn diễn viên đã diễn từ tròn vai tới xuất sắc, trong đó có nhiều gương mặt mới như vai diễn Lưu Tú và Âm Lệ Hoa lúc nhỏ (Trương Thành Hàng và Dương Chí Văn đóng), Đặng Phụng (Tần Tuấn Kiệt)… Đặc biệt là diễn xuất của cặp đôi nam - nữ chính Viên Hoằng trong vai Lưu Tú và Lâm Tâm Như trong vai Âm Lệ Hoa.

Trong suốt chiều dài hơn 50 tập phim, Viên Hoằng đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh một vị quân vương xuất thân áo vải, từ khi là một học sinh ôn nhu, ẩn nhẫn của Thái học phủ, cho tới một tướng quân oai võ, mưu lược, cuối cùng là một hoàng đế bị giằng xé giữa giang sơn thái bình và quyền lực tuyệt đối.

Lâm Tâm Như cũng đã thành công với lời hứa "đem lại một cái nhìn khác về Lâm Tâm Như" khi tái hiện xuất sắc sự trưởng thành từ một cô gái văn võ song toàn, cương trực, khát khao chiến đấu dành thiên hạ thái bình cho tới một hộ vệ tướng quân uy dũng, có tài dùng binh và một người phụ nữ hậu cung cố gắng nép mình để bảo vệ giang sơn. Trường đoạn Âm Lệ Hoa đau đớn thừa nhận trách nhiệm với giang sơn đồng thời đã khiến nàng phải hy sinh những người thân yêu nhất được coi là trường đoạn "đắt" nhất phim, chứng tỏ diễn xuất thuần thục và đầy cảm xúc của nữ diễn viên.

Những điểm trừ

Với độ dài và khối lượng bối cảnh, diễn viên đồ sộ, Tú Lệ giang sơn không tránh khỏi một số lỗi sản xuất còn ẩu như khung hình lọt những chi tiết hiện đại, lỗi raccord trong các cảnh đại chiến, kỹ xảo phim chưa thực sự mãn nhãn và chưa mềm mại ở một số tình huống.

Bên cạnh đó, tái hiện một giai đoạn lịch sử dài với hàng trăm nhân vật, nên một số tình tiết phim diễn ra nhanh hoặc bị cắt bớt cho vừa thời lượng phát sóng khiến người xem khó hiểu.

Tú lệ giang sơn - Nấc thang mới trong sự nghiệp của Lâm Tâm Như - Ảnh 4.

Những điểm trừ của phim có thể dễ dàng được châm chước so với nội dung và chất lượng của toàn bộ phim. Bởi vậy, Tú lệ giang sơn là một bộ phim đáng xem, xứng đáng với sự chờ đợi gần 3 năm của khán giả.


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước