Hàng chục năm qua, Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời từ năm 1943 đã thức tỉnh đội ngũ văn nghệ sỹ, mở ra nền văn nghệ cách mạng với những áng thơ, văn bất hủ, tạo nên sức mạnh tinh thần cho triệu triệu người Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, mỗi năm cả nước có gần 3.000 tác phẩm văn chương được ra mắt, chiếm khoảng 10 - 12% thị phần xuất bản. Song thiếu những tác phẩm đỉnh cao, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và tình cảm của người đọc. Đó có phải trách nhiệm của thế hệ nhà thơ, nhà văn hiện nay đối với nền văn học nước nhà?
Trên kệ sách văn học của hầu hết các cửa hàng, tiểu thuyết ngôn tình nước ngoài chiếm tỷ lệ áp đảo. Còn mảng văn học trong nước chủ yếu là những tác phẩm vang bóng một thời được tái bản. Năm ngoái, nhiều tác phẩm dự giải thưởng Hội Nhà văn rất điêu luyện về nghề viết, nhưng không được trao giải.
"Chúng tôi không thể trao giải cho những tác phẩm đó, vì trong ấy không có không dẫn con người đi hướng về những điều tốt đẹp. Nhà văn dẫn con nguời vào đường hầm, càng đi càng thấy tối và không có khả năng tìm thấy con đường, tìm thấy niềm hy vọng hay những vẻ đẹp của đời sống cho chính mình. Chính điều đó đã đánh mất phần nhân văn, tư tưởng và phần vô cùng quan trọng của tác phẩm văn học", nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Ba năm đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây là thời điểm công chúng chờ đợi sân khấu, âm nhạc, văn học có nhiều tác phẩm chữa lành những vết thương, thắp lên niềm tin và hy vọng, nhưng vẫn là một khoảng trống.
Nhà văn Văn Giá - Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Điều chiếm phần lớn là việc đào quá sâu vào sự u uẩn, vào cái tôi quá riêng biệt, tách rời và không có âm vọng của đời sống thực tiễn, của đời sống nhân quần. Vì thế, nó đánh mất bạn đọc. Đó là điều rất tiếc.
Những năm đầu đổi mới, văn học Việt Nam xuất hiện những tác phẩm đỉnh cao như Tướng về hưu, Nỗi buồn chiến tranh, hay Mảnh đất lắm người nhiều ma…, mang hơi thở cuộc sống. Nhưng hơn 3 thập kỷ qua, văn học trong nước đang thiếu vắng các tác phẩm giá trị.
"Nếu nói tác phẩm lớn là những tác phẩm mang các nỗi đau lớn của thời đại, mang tâm trạng, khát vọng lớn của con người ở thời đại ấy thì mấy chục năm vừa qua, chúng ta chưa có sự ghi nhận của những tác phẩm lớn. Chúng ta đã thấy được một số tác giả, nhưng để có những tác phẩm lớn có thể gây chấn động, mở ra một giai đoạn mới cho văn học Việt Nam thì có lẽ còn phải đang chờ đợi", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội – cho hay.
Hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, song văn học lại chưa được như vậy. Đó là câu hỏi lớn chưa được trả lời...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!