“Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” giới thiệu các tư liệu, hiện vật, mô hình kiến trúc kết hợp với công nghệ trình chiếu mapping, media nhằm giới thiệu thành tựu nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên - di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ và kỳ bí của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê Sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa. Đây cũng là những đóng góp xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh thành trong nghiên cứu khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 20 năm khai quật và nghiên cứu, góp phần quảng bá sâu rộng hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh điện Kính Thiên. Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học có nhiều phát hiện mới và giá trị, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê Sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long.
Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê Sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia. Tòa điện này được Vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428 và được sửa chữa, xây dựng lại vào các năm 1465, 1467.
Mô hình điện Kính Thiên được phục dựng và trưng bày tại triển lãm “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên”
Kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đấu củng là một loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà. Bằng cách lắp ghép nhiều khung gỗ hình chữ nhật, đấu củng có thể chuyển trọng lượng cực kỳ lớn của mái nhà vào các cột đỡ, giúp kiến trúc đứng vững, không bị rung chuyển khi gặp các trận động đất lớn.
Các cuộc khai quật khảo cổ từ năm 2002 - 2018 đã tìm thấy các loại “đấu xuyên tâm” và loại “bình áng đầu chim” trong hệ thống đấu củng được sơn thếp màu đỏ.
Chi tiết bằng gỗ được gọi là bình áng vân mây
Tại hố đào phía Đông điện Kính Thiên phát hiện xà góc, rui hiên và thượng lương. Đây là những cấu kiện gỗ liên quan đến kết cấu bộ khung giá đỡ mái và hình thái bộ mái của công trình kiến trúc đấu củng.
Rui hiên là loại cấu kiện dùng để đỡ mái ở phần hiên và tạo độ rộng (phần nhô ra) ở mái hiên. Hàng rui hiên của kiến trúc thời Lê Sơ để lộ ra ngoài, dưới mái ngói vẫn có thể thấy tay rui nhô ra như kiểu rui của kiến trúc cung điện cổ ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Từ các cấu kiện gỗ, ngói, chân cột đá…, các nhà khoa học đã xác định được chiều dài, chiều rộng, hình thái kiến trúc, hình thức xây dựng, trang trí… của điện Kính Thiên. Nghiên cứu so sánh cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái cho thấy kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế xây dựng rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ theo nghi thức cung đình với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều, mang nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á cùng thời.
Ngói thời kỳ này phổ biến là ngói ống và ngói cong, trong đó ngói diềm mái hay ngói hiên là ngói câu đầu hay ngói trích thủy giống như loại ngói lợp trên mái hiên của các cung điện cổ ở Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Ngói rồng diềm mái thời Lê Sơ
Ngói rồng đầu bờ dải thời Lê Sơ
Ngói rồng đầu hồi thời Lê Sơ
Ngói hộp có trang trí hình đôi rồng thời Lê Sơ
Kết quả nghiên cứu này đã đóng góp quan trọng và thiết thực trong việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, mang lại niềm tự hào về tài năng và trí tuệ sáng tạo của cha ông ta từ xa xưa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!