Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND: Dù nghệ sĩ biểu diễn hay đối tượng sáng tạo vẫn được xem xét công bằng như nhau

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 17/06/2023 12:29 GMT+7

VTV.vn - Hiện bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã công bố và tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với nhiều quy định mới.

Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT), Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) là danh hiệu cao nhất mà Nhà nước trao tặng cho những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2022 được Quốc Hội thông qua ngày 15/6/2022 quy định ngoài những đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo quy định hiện hành. Luật đã bổ sung đối tượng xét tặng là "người sáng tạo tác phẩm văn hóa - nghệ thuật" trong 9 lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian. Hiện bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố và tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với nhiều quy định mới thay thế hai Nghị định số 89 và Nghị định số 40.

Vấn đề xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân luôn nhận được sự quan tâm của những người hoạt động văn học nghệ thuật và cả dư luận. Với việc bổ sung đối tượng cần được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là "người sáng tạo tác phẩm văn hóa - nghệ thuật", dự thảo Nghị định mới đã nhận về những ý kiến trái chiều từ các Hội chuyên ngành.

Có 6/9 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương không đề xuất đối tượng xét tặng, gồm: Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Có 3/9 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đề xuất bổ sung đối tượng, cụ thể: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

6 hội không đề xuất bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với hội viên của mình có lý do hầu hết là vì các đối tượng này đã được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, hoặc có danh hiệu cao quý khác. Riêng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có danh hiệu "Nghệ nhân dân gian". Đây là một trong những nội dung tiêu tốn nhiều công sức trong việc soạn thảo Nghị định để phù hợp với Luật thi đua khen thưởng năm 2022

"Bản thân các Hội không đề xuất đối tượng xét NSND, NSƯT. Thậm chí, các Hội có đề xuất đối tượng cũng phải tính toán đến thời gian tham gia nghệ thuật là 15 năm với NSƯT và 20 năm với NSND, cũng như cách tính giải giải thưởng tác phẩm như thế nào, không thuần túy đưa đối tượng vào là được xem xét. Bởi vì, trong Luật Thi đua – Khen thưởng quy định, dù xét theo đối tượng là người sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật hay người biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng đều phải có 15 năm tham gia làm nghề liên tục hay cộng dồn, 20 năm với NSND cũng tương tự như vậy. Đó mới là điều đang phải xem xét. Chúng tôi đang hy vọng trong đợt lấy ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia, Hội đồng nghệ thuật. Lần này lấy ý kiến rộng rãi với một dự thảo đầy đủ, cơ bản thì sẽ có những ý kiến góp ý. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ hoàn thiện lại và có báo cáo với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để tính toán…", bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Trên cơ sở ý kiến của 9 Hội văn học, nghệ thuật, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định đã dự kiến bổ sung thêm đối tượng người sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật là: "Nhạc sĩ sáng tác" và "Nhiếp ảnh gia". Nhưng chưa cần đến "động tác" mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu, chỉ xét riêng trong những đối tượng "nghệ sĩ biểu diễn", đã tranh cãi nảy lửa kéo dài trong hàng mấy thập kỷ bởi những bất cập vây quanh.... từ số lượng huy chương, từ giải thưởng, việc làm hồ sơ xin được xét tặng đến rất nhiều thủ tục liên quan.

Hiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hồ sơ xét trao tặng 136 danh hiệu NSND và 347 danh hiệu NSƯT lần thứ 10 xét trình Chủ tịch nước. Dự kiến lễ trao tặng sẽ được tổ chức dịp Quốc khánh 2/9 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây vẫn là đợt xét tặng theo quy định cũ về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Còn với dự thảo nghị định mới, trong tháng 6 này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá tác động cũng như tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện.

"Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã làm tốt. Nhưng sẽ làm tốt hơn nữa, cởi mở hơn nữa để có những nhân sự trẻ và tươi mới cùng với những người đã giữ lề, giữ lối, giữ văn hóa trong rất nhiều năm và có khả năng", NSƯT Tấn Minh – Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long chia sẻ.

"Trên cơ sở các ý kiến sẽ hoàn thiện lại dự thảo Nghị định lần này với quan điểm bổ sung, kế thừa các quy định hiện hành của Nghị định 89 và Nghị định 40 đã thực hiện. Nếu đủ điều kiện để xem xét đối tượng đó là người sáng tạo thực hiện tác phẩm thì cũng sẽ đưa vào để đảm bảo các nghệ sĩ được xem xét một cách bình đẳng, vừa trên nguyên tắc cho dù là nghệ sĩ biểu diễn hay đối tượng sáng tạo thì vẫn được xem xét công bằng như nhau nếu đảm bảo đủ điều kiện theo Luật Thi đua – Khen thưởng quy định chi tiết tại điều 66, để tạo điều kiện cũng như tránh thiệt thòi cho các nghệ sĩ", bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết thêm.

Tài năng thực sự và giá trị nghuật đích thực mà nghệ sỹ tạo ra cho công chúng được khẳng định qua thời gian và năm tháng. Việc hoàn thiện Nghị định mới có ý nghĩa quan trọng để việc xét tặng danh hiệu công bằng, xứng đáng. Hy vọng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch  sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khoa học, khả thi, hiệu quả, bám sát thực tế để tôn vinh xứng đáng, tránh bỏ sót các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến, nhưng cũng đảm bảo việc trao thực chất, để giải thưởng thực sự có ý nghĩa cao quý trong lòng nghệ sỹ và công chúng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước