Tuần này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm nay; đề xuất các nhóm giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, ứng phó kịp thời với những diễn biến tình hình hiện nay và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.
Các ý kiến tại Quốc hội đều thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của nước ta từ đầu năm 2014 đến nay tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện. Nền kinh tế ngày càng cho thấy rõ hơn dấu hiệu phục hồi và về cơ bản, kinh tế vĩ mô khá ổn định, tạo nền tảng thuận lợi cho quá trình phục hồi tăng trưởng và cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Quốc hội và Chính phủ đều có chung nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, dư nợ tín dụng tăng chậm, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Muốn thúc đẩy tăng trưởng phải kích thích được nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nền kinh tế và của toàn xã hội. Đó là bài toán tổng thể, nhưng trong đó, chính sách điều hành tiền tệ có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu ngành ngân hàng duy trì các giải pháp điều hành chủ động, phù hợp và linh hoạt để góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tổng cầu, rà soát; vừa xử lý nợ xấu, vừa tăng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong chương trình Đối thoại chính sách tuần này, các vị khách mời sẽ tập trung phân tích và đề xuất những giải pháp mang tính đột phá về chính sách tín dụng để tháo gỡ khó khăn về vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Sau đây là nội dung chi tiết: