Đã hơn 20 ngày sau cơn lũ dữ nhưng ở bản Son và Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn vẫn còn in hằn những dấu vết của thiên tai. Trong căn lán nhỏ được xã dựng cho ở tạm, chị Nơ (bản Sa Ná) vẫn chưa thể bình tâm trở lại. Chồng con chị may mắn thoát chết, nhưng tất cả tài sản của gia đình chị đã bị lũ cuốn trôi. Chị cho biết, không biết xoay xở thế nào nếu như không được cộng đồng chung tay giúp đỡ.
Tính chung ở cả 2 bản Son và Sa Ná có đến gần 150 hộ gia đình mất ruộng. Đa số đều như gia đình chị Nơ mất trắng. Hơn 20 ha ruộng bậc thang của người dân đã tan hoang sau lũ dữ, những mảnh ruộng nhỏ còn lại cũng coi như phải bỏ đi vì toàn bộ hệ thống kênh mương, tưới tiêu đã bị lũ vùi lấp.
Người dân 2 bản Son và Sa Ná cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch. Sau khi lũ rút, đống đổ nát chính là những gì còn lại của công trình nước sạch nông thôn. Để có nước cho bà con sử dụng, huyện Quan Sơn đã cho lắp đặt ngay một đường ống dài hơn 2km dẫn nước từ khe núi xuống nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Đại diện Hội Nông dân huyện Quan Sơn cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư gần 40 tỷ đồng xây dựng một khu tái định cư rộng hơn 5ha ngay tại bản Sa Ná. Công trình đang được gấp rút hoàn thiện để đến cuối tháng 11 này có thể tiếp nhận hơn 50 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng chưa phải đã hết những khó khăn.
Bộ LĐ-TB&XH cam kết, nếu huyện Quan Sơn có nhu cầu, sẽ xin ý kiến Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân vùng lũ. Một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ tre, luồng trên địa bàn huyện cũng cam kết sẽ đưa xưởng sản xuất vào khu tái định cư để tạo sinh kế cho bà con. Tuy nhiên, với những mất mát không gì bù đắp nổi, người dân 2 bản Son và Sa Ná vẫn đang rất cần có thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội để nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!