Việc đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản sẽ tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như sức khỏe, y tế, hộ lý; nông nghiệp; cơ sở hạ tầng giao thông… Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực này sẽ giúp giảm gánh nặng, cải thiện năng suất lao động.
Kiến thức về trí tuệ nhân tạo sẽ được đưa vào các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, thông qua việc sử dụng máy tính bảng đối với từng học sinh trong quá trình học.
Nhật Bản đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đối với sự phát triển của đất nước?
Nhật Bản nhận thức về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo khi đặt nội dung này trong những chiến lược trụ cột nhằm phát triển đất nước. Trong "Chiến lược phục hưng Nhật Bản" - một chiến lược được xem là quan trọng nhất - được nội các thông qua vào tháng 6/2015, trong đó có nội dung chính là xem xét cải cách cơ cấu công nghiệp dựa trên 3 giải pháp: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) và vạn vật kết nối (IoT).
Trong kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ 5, được nội các Nhật Bản thông qua tháng 1/2016, nhấn mạnh kỹ thuật trọng điểm Nhật Bản cần tập trung như trí tuệ nhân tạo, nhằm xây dựng một xã hội siêu thông minh (xã hội 5.0).
Cụ thể hóa cho những sách lược này, "Hội nghị chiến lược về trí tuệ nhân tạo" đã được Chính phủ Nhật Bản thành lập. Hội nghị này được xem là "tháp chỉ huy" tập hợp 5 tổ chức nghiên cứu quốc lập lớn nhất thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông, Bộ Văn hóa khoa học công nghệ và Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản nhằm nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nhu cầu việc làm và tuyển dụng lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản trong tương lai?
Nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hay công nghệ thông tin hiện đang trở thành vấn đề lớn của Nhật Bản, khi tình trạng thiếu hụt đang ngày càng nghiêm trọng. Theo Bộ Kinh tế, Công nghiệp Nhật Bản (METI), tại thời điểm năm 2018, Nhật Bản thiếu đến 220.000 kỹ sư liên quan đến công nghệ thông tin, dự báo đến năm 2030 nước này sẽ thiếu khoảng 550.000 kỹ sư.
Ngay tại thời điểm này, thị trường lao động Nhật Bản đang chứng kiến một cuộc "cạnh tranh nóng" giữa các công ty để có được nguồn lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhất là những kỹ sư chất lượng cao. Một ví dụ điển hình được dư luận chú ý hiện nay là tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản NTT Docomo sẽ trả lương tới 30 triệu Yen (tương đương 6 tỷ đồng) trong 1 năm, tức cao gấp 3 - 4 lần thu nhập trung bình của công ty cho các chuyên gia có chuyên môn về các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Công ty này sẽ bắt đầu tuyển dụng từ mùa hè năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!