Năm 2017, bình quân TP.HCM có gần 8 vụ vi phạm trật tự xây dựng một ngày; năm 2018 có khoảng 6 vụ một ngày. Nhưng 6 tháng đầu năm nay, số vụ vi phạm tăng trở lại với hơn 8 vụ một ngày. Tính chung toàn thành phố có hơn 1.500 công trình không phép, sai phép và sai quy hoạch.
Các trường hợp vi phạm tập trung nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2, quận 12, quận Bình Tân, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh. Trong đó, khu vực huyện Bình Chánh, công trình xây dựng không phép, sai phép nở rộ nhất tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.
Thống kê cho thấy, tình trạng xây dựng không phép ở TPHCM tập trung rất nhiều ở vùng ven, khi đất nông nghiệp đã không còn được trồng lúa, làm nông. Người dân mua bán trao tay đất nông nghiệp, đất xen kẹt (đất dư sau quy hoạch) và tự ý xây nhà mà không xin phép chính quyền. Những loại đất này thường không có sổ đỏ, chuyển nhượng chỉ thông qua giấy tờ viết tay.
Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng trái phép lại diễn ra phổ biến ở những nơi "tấc đất, tấc vàng". Ví dụ chính quyền cấp phép xây 3 tầng nhưng chủ đầu tư lại xây 5 tầng, còn cấp phép 5 tầng sẽ xây 7 tầng... Những căn nhà sai phép nằm ngày giữa phố vẫn ngang nhiên thi công, thách thức dư luận.
Tình trạng xây dựng không phép, sai phép đã khiến lãnh đạo nhiều địa phương yêu cầu các quận huyện phải tìm giải pháp mạnh tay hơn, kiên quyết hơn để giải quyết triệt để. Theo Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mạnh tay hơn không có nghĩa là tạo sự đối đầu giữa chính quyền và người dân. Thời gian gần đây, TP.HCM đã có một cách làm hay và đem lại hiệu quả thiết thực, đó là người dân tự tháo dỡ công trình trái phép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!