Chiến thắng 30/4 - Sự kiện lịch sử vô cùng to lớn của nhân dân Việt Nam

Hồng Hoa (VTV4)-Thứ ba, ngày 28/04/2015 12:00 GMT+7

VTV.vn - Đó là phát biểu của GS-TSKH Vladimir Kolotov, Nhà Việt Nam học, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc ĐHTH St.Peterburg, LB Nga.

Bên lề Chương trình hội thảo quốc tế “40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế "(30/4/1975 - 30/4/2015)” diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phóng viên THVN đã có cuộc trao đổi với Nhà Việt Nam học người Nga nổi tiếng, GS-TSKH Vladimir Kolotov. Ông đã cho biết đánh giá của mình về ý nghĩa của chiến thắng 30/4 và về những bài học của cuộc chiến tranh Việt Nam đối với tình hình căng thẳng và bất ổn hiện nay trên thế giới.

Xin ông cho biết đánh giá của mình về ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975 và việc thống nhất đất nước đối với lịch sử Việt Nam?

GS-TSKH Vladimir Kolotov: Với nhân dân Việt Nam, đó là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn - thống nhất lãnh thổ lục địa của dân tộc. Vấn đề là ở Đông Á, một số nước có thể gọi là những quốc gia bị chia cắt, có nghĩa là họ không kiểm soát được một phần lãnh thổ của mình. Ví dụ, Triều Tiên - Hàn Quốc, hay Trung Quốc không kiểm soát được Đài Loan. Còn Việt Nam với cuộc chiến đấu kiên cường, lâu dài chống những đế quốc mạnh nhất đã có thể thống nhất lãnh thổ trên lục địa của mình. Chỉ còn lại lãnh thổ đảo là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề này đang làm náo động dư luận Việt Nam, đe dọa an ninh Việt Nam. Nhưng đó là vấn đề thứ yếu, vì vấn đề đầu tiên là thống nhất đất nước trên lục địa đã được giải quyết thành công. Sau đó Việt Nam bắt đầu vào công cuộc bình thường hóa tình hình trong nước.

Nhưng những thế lực đối kháng đã muốn trả thù Việt Nam bằng cách gây bất ổn ở Campuchia, rồi phía Tây Nam Việt Nam. Nhưng Việt Nam cũng đã giải quyết thành công vấn đề này. Bên cạnh đó, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành soạn thảo chương trình cải cách trước hết về kinh tế. Và hiện nay, vào thời điểm 2015, chúng ta có thể nói rằng, chương trình cải cách bắt đầu từ năm 1986 đã được thực hiện thành công. Sau 29 năm, chúng ta đã thấy thu nhập quốc dân của Việt Nam tăng như thế nào. Đất nước thay đổi rất nhiều. Hiện tại, chúng ta đang thấy Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ, phát triển năng động, có uy tín trên trường thế giới. Cả thế giới đều biết rằng Việt Nam đã bảo vệ độc lập, tự do của mình tới cùng, không sợ bất cứ ai đe dọa, chỉ thị hay áp đặt những lệnh không thể chấp nhận được.

GS-TSKH Vladimir Kolotov. Nguồn: báo Tin tức

Chúng ta biết rằng, chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến khốc liệt và dài nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20. Theo ông, ngày hôm nay, 40 năm sau chiến tranh, những người tham gia cuộc chiến - những cựu chiến binh Xô Viết, Việt Nam và Mỹ cần liên kết với nhau vì điều gì ngoài những hồi tưởng về chiến tranh?

GS-TSKH Vladimir Kolotov: Tôi thực sự rất muốn được thấy cuộc gặp gỡ của các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam từ các phía, xem họ sẽ giao tiếp với nhau như thế nào. Các cựu chiến binh tại Nga vẫn thường xuyên gặp nhau rất thân mật. Tôi cũng biết các cựu chiến binh Việt  Nam. Có một vài cựu binh Mỹ nổi tiếng, tích cực hoạt động chính trị, như John Mc Kein, John Kerry. Nhưng trước đây, khi còn chiến tranh, họ đấu tranh vì hòa bình còn giờ đây họ lại đứng về phía chiến tranh. Tôi thực sự rất ngạc nhiên vì họ là những người đã thấy máu, sự tàn bạo khủng khiếp và vô nghĩa của chiến tranh, thấy bao dân lành đã chết vì bom đạn.

Tôi cho rằng, những cựu chiến binh cần chia sẻ kinh nghiệm của mình để cho những cuộc chiến như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Đó là cách tốt nhất cho tất cả. Hơn nữa, các nước Á Phi vừa kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bangdung. Nhiều nước đã phát biểu rằng tinh thần Hội nghị Bangdung vẫn sống cùng 10 nguyên tắc tồn tại hòa bình mà hội nghị đã đưa ra.

Theo ông, những nước mong muốn hòa bình tại khu vực cần phải làm gì cho hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Nam Á và rộng hơn, cho khu vực Thái Bình Dương?

GS-TSKH Vladimir Kolotov: Đây là cuốn sách mới của nhóm các nhà phương Đông học người Nga với nhan đề “Vòng cung bất ổn Âu - Á và những vấn đề an ninh khu vực”. Các bạn sẽ thấy vòng cung bất ổn này trên bản đồ, nó kéo dài từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, bao gồm Bắc Phi và Biển Đông. Vì vậy, vấn đề Biển Đông không chỉ là vấn đề của cụm nhỏ này mà là một phần của vấn đề gây bất ổn tại châu Âu và châu Á hiện nay. Đây là một vấn đề an ninh khu vực rất quan trọng.

Quan điểm của tôi là các nước Đông Nam Á cần đạt được chủ quyền thực sự, xóa bỏ các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng con đường hòa bình, không có các trung gian nước ngoài, bởi vì bất cứ trung gian nước ngoài nào cũng sẽ dẫn tới việc khó kiểm soát tình hình cũng như tình trạng chiến tranh. Cần tiến hành chính sách hòa bình hướng tới hợp tác tương ích. Hơn nữa, trong những thập kỷ gần đây, các nước Đông Nam Á nói chung đã đạt được những kết quả tốt, sức nặng kinh tế khu vực tăng. Đông Nam Á có gần 700 triệu dân, có địa hình, khí hậu thuận lợi, nhiều tài nguyên. Vậy nên phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề môi trường sẽ là những mục đích rất cần thiết.

Xin cảm ơn Giáo sư đã tham gia cuộc trao đổi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước